Theo một nghiên cứu mới, những người phụ nữ ngồi lâu mỗi ngày dễ có khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýt 2, nhưng một mối liên hệ tương tự không tồn tại ở nam giới.
Các nhà nghiên cứu làm việc tại Khoa khoa học sức khỏe và tim mạch thuộc Đại học Leicester nêu rõ những phụ nữ ngồi phần lớn thời gian trong ngày có nguy cơ xuất hiện những khiếm khuyết giai đoạn đầu trong trao đổi chất vốn là một chỉ dấu báo hiệu mắc tiểu đường tuýt 2 cao hơn so với những người có xu hướng ngồi ít.
Nhóm trên đã tiến hành đánh giá hơn 500 đàn ông và phụ nữ có độ tuổi khoảng 40 về thời gian họ ngồi trong vòng một tuần, bằng những cuộc thử nghiệm đối với nồng độ các hóa chất cụ thể trong máu họ có liên quan đến tiểu đường và tình trạng suy giảm chức năng trao đổi chất.
Kết quả cho thấy những phụ nữ có thời gian ngồi lâu nhất sẽ có các mức insulin cao hơn cũng như các hàm lượng cao hơn của protein phản ứng C và các hóa chất do mô mỡ thải ra ở bụng, leptin và interleukin 6. Hiện tượng này có thể là dấu hiệu về sự viêm nhiễm.
Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí y học dự phòng Mỹ này cũng cho thấy mối liên hệ giữa thời gian ngồi lâu với nguy cơ bị tiểu đường lớn hơn nhiều ở phụ nữ so với nam giới, nhưng không thể chỉ ra lý do tại sao lại có sự khác biệt về giới tính như vậy, mặc dù tài liệu gợi ý có thể do phụ nữ ăn vặt nhiều hơn nam giới trong khi ngồi, hoặc vì nam giới có xu hướng tham gia các vận động mạnh mẽ hơn.
Tiến sỹ Thomas Yates, người đứng đầu cuộc nghiên cứu khẳng định "nghiên cứu này cung cấp bằng chứng quan trọng rằng thời gian ngồi lâu hơn có tác động tai hại đối với khả năng kháng insulin và viêm mãn tính mức độ thấp ở phụ nữ nhưng không phải nam giới. Tác động này diễn ra bất kể thời gian tập thể dục là bao lâu.”
Do đó, nghiên cứu khẳng định việc để phụ nữ ngồi ít hơn có thể là một yếu tố quan trọng trong quá trình ngăn ngừa các căn bệnh mãn tính./.
Theo Huy Lê/Vietnam+