Hiện nay, bệnh hen đang là vấn đề y tế toàn cầu với số người mắc bệnh hen gia tăng ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là trẻ em mắc hen tăng gấp đôi trong vòng 20 năm qua.
Hầu hết các cơn hen được khởi phát bởi các yếu tố gây dị ứng kích thích. Vì vậy, việc xác định để phòng tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen đóng vai trò quan trọng nhằm giảm bớt ảnh hưởng về sức khỏe và kinh tế do bệnh hen đối với bệnh nhân, gia đình và toàn xã hội.
Đối với từng bệnh nhân hen mạn tính, họ thường biết rất rõ các yếu tố dễ gây khởi phát cơn hen. Nhưng để phòng tránh cơn hen, mọi người đều cần có hiểu biết để loại bỏ các yếu tố này. Các yếu tố gây khởi phát cơn hen thường gặp như sau:
Các yếu tố dị ứng nguyên trong nhà ở
Dị ứng nguyên trong nhà ở gồm: mạt nhà là loại côn trùng nhỏ ăn các tế bào da chết mà mắt thường không nhìn thấy được. Mạt nhà thường trú ẩn ở chăn, ga, gối, đệm, thú nhồi bông, thảm, rèm cửa… Nếu môi trường càng ẩm ướt như kiểu thời tiết mưa phùn gió bấc hay mưa xuân càng có nhiều mạt nhà. Cách phòng trừ mạt nhà gồm: thường xuyên giặt chăn ga, gối, rèm cửa, thú nhồi bông bằng nước nóng, ngâm xà phòng khoảng 30 phút, sau đó giặt sạch. Hàng tuần cần vệ sinh nơi ở, lau chùi sạch bàn ghế, cửa sổ, giường tủ… bằng dung dịch sát khuẩn. Sử dụng máy hút bụi để hút sạch bụi bẩn trong nhà. Hạn chế cho trẻ em chơi các loại thú nhồi bông, ôm thú nhồi bông khi ngủ.
Cần tránh các yếu tố dễ gây cơn hen trong nhà.
Vật nuôi trong nhà: chó, mèo; các loại côn trùng: ruồi, muỗi, gián, loại gặm nhấm (chuột), có dị ứng nguyên là các sợi lông, mảnh da, nước bọt, nước tiểu, phân của chúng. Biện pháp phòng tránh là phun thuốc diệt côn trùng; lau rửa sạch những nơi có gián, côn trùng bò để loại bỏ phân, nước tiểu, mảnh da của chúng; bảo quản thức ăn trong tủ lạnh; bỏ rác vào thùng có nắp đậy. Không cho vật nuôi vào phòng ngủ, phòng khách, nuôi chúng ở những khu vực riêng cách xa nhà ở.
Các dị ứng nguyên trong nhà khác gồm: khí từ bếp ga, khói bếp than, bếp dầu; nấm mốc, dụng cụ chùi nhà, sơn, mỹ phẩm, nước hoa… sản phẩm có mùi thường dễ gây dị ứng cho bệnh nhân hen. Bệnh nhân hen cần chủ động phòng tránh bằng cách: hạn chế tiếp xúc với các chất có mùi đó; nên ở trong phòng thoáng; phải đặt bếp, lò đun nấu ở nơi thoáng, có máy hút khói; khi phun xịt thuốc chống côn trùng trong nhà cần cho bệnh nhân biết và tránh đi nơi khác khoảng 30 phút khi hết mùi hãy trở về. Loại bỏ nấm mốc bằng cách: làm khô những nơi ẩm ướt, hạn chế hoặc tránh dùng dụng cụ làm ẩm không khí như quạt nước, lau chùi vòi sen, bồn tắm, chậu rửa bằng chất tẩy rửa.
Dị ứng nguyên ngoài môi trường
Các chất dị ứng nguyên ngoài môi trường thường gặp là phấn hoa, bệnh nhân có tiền sử dị ứng với phấn hoa nên tránh đến gần nơi có nhiều cây cối vào mùa ra hoa và phải thận trọng khi mua hoa về cắm tại nhà trong các dịp lễ, Tết, ngày tuần. Khói thuốc lá là yếu tố kích thích mạnh khởi phát hen.
Có nghiên cứu cho biết, nếu mẹ hút thuốc lá khi mang thai nguy cơ con sinh ra năm đầu tiên bị khò khè nhiều hơn 4 lần so với con của bà mẹ không hút thuốc lá. Không khí bị ô nhiễm bởi các chất gây dị ứng như khói, bụi, mùi xăng dầu, hôi thối… rất dễ gây bùng phát cơn hen. Do đó, bệnh nhân hen tránh ra ngoài vào thời điểm không khí bị ô nhiễm cao và phải thay đổi nơi ở ra khỏi vùng thường xuyên bị ô nhiễm. Nhiễm virut như cúm, sốt xuất huyết, viêm gan… rất dễ bị khởi phát cơn hen.
Các yếu tố dị ứng do nghề nghiệp
Bệnh hen nghề nghiệp là hen do tiếp xúc với các yếu tố trong điều kiện làm việc, chủ yếu ở người lớn. Những nghề nghiệp có nguy cơ mắc hen cao là nông dân, thợ sơn, sản xuất nhựa, chế biến gỗ, nông sản, thực phẩm… Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa hen nghề nghiệp là tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng trong nghề nghiệp như mặc quần áo bảo hộ lao động, đeo khẩu trang, găng tay, đi ủng…
Các yếu tố gây hen trong sinh hoạt
Thực phẩm và phụ gia thực phẩm dễ gây hen là: trứng, sữa bò, lạc (đậu phộng), đậu nành, cá, tôm, cua, sò, ốc, rượu, bia... Một nghiên cứu cho thấy, trẻ em được nuôi bằng sữa bò hay sữa đậu nành dễ bị khò khè trong các năm tháng đầu tiên nhiều hơn trẻ bú sữa mẹ. Các chất bảo quản thực phẩm cũng có thể kích hoạt cơn hen như: sulfit, bisulfit natri, bisulfit kali, metabisulfit natri, metabisulfit kali… Vì vậy, bệnh nhân hen và mọi người cần hạn chế hoặc kiêng hẳn các loại thực phẩm nói trên.
Tập thể dục thể thao có thể làm cơn hen bùng phát đặc biệt khi hen không được kiểm soát tốt. Đối với người mà bệnh hen làm giới hạn khả năng vận động, tập thể dục thì cần gặp bác sĩ để được tư vấn nên tập ở cường độ thế nào để không bị quá sức gây khởi phát cơn hen. Khi tập thể dục, bệnh nhân cần khởi động nhẹ nhàng trước, làm nóng cơ thể, tránh tập ngoài trời lạnh.
Các thuốc thường gây khởi phát cơn hen: aspirin, thuốc kháng viêm giảm đau nhóm không steroid như ibuprofen, naproxen, ketoprofen, panadol, thuốc tim mạch loại chẹn bêta như propranolol, atenolol, bisoprolol… Nếu bệnh nhân hen bị dị ứng khởi phát cơn hen với loại thuốc nào, cần bỏ hẳn không bao giờ dùng lại loại thuốc đó và cần nói cho bác sĩ biết loại thuốc mình đã bị dị ứng.
Đối với phụ nữ, sự thay đổi nội tiết có thể khởi phát cơn hen, đặc biệt ở phụ nữ có thai. Khi đó cần gặp bác sĩ để được tư vấn, sử dụng thuốc phòng chống cơn hen.
Theo BS. Đinh Lan Anh
SK & ĐS Online