Mới chỉ có 5 năm thành lập nhưng Khoa Phẫu thuật cột sống (PTCS) - Viện Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện (BV) Việt Đức đã được biết đến với nhiều ứng dụng kỹ thuật tiến bộ: kỹ thuật bắt vít qua da, lấy thoát vị qua da, bơm xi măng sinh học, thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ… Ngày 5/12 vừa qua, với sự giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia đến từ CHLB Đức, các bác sĩ Khoa PTCS BV Việt Đức đã tiến hành PTCS bằng robot định vị chính xác. Đây cũng là BV đầu tiên trong nước và khu vực Đông Nam Á ứng dụng công nghệ này.
Sống chung với chứng đau cột sống kinh niên
Bệnh nhân (BN) Nguyễn Thị Thuận (49 tuổi , Sơn Tây) bị thoát vị đĩa đệm, đã mổ thoát vị tại BV tỉnh nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm mà còn tiến triển nặng thêm, hai mông sưng đau khiến bà không ngồi được. Thêm vào đó, hai bàn chân tê rát như phải bỏng khi đứng lâu khiến bà phải đến khám và mổ lại tại BV Việt Đức. Bà Thuận được các bác sĩ tư vấn về công nghệ mổ bằng robot và là một trong những BN đầu tiên được ứng dụng công nghệ này.
BN Thôn Thị Thanh (66 tuổi, Hà Tĩnh) bị đau cột sống trên 10 năm nay. Từ đau lưng, bà đau buốt xuống chân phải, đi bộ 200m là phải nghỉ vì đau. Trên hình ảnh Xquang và cộng hưởng từ cho thấy bà bị trượt đốt sống độ 1, hẹp ống sống L4-L5. Bà Thanh cũng được các bác sĩ quyết định phẫu thuật cố định cột sống bằng robot.
Công nghệ đỉnh cao: lợi ích cho cả bệnh nhân và bác sĩ
PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch - Phó Giám đốc BV, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa PTCS cho biết: Trong PTCS, xác định đúng vị trí cần bắt vít rất quan trọng, mục đích để tránh gây tổn thương đến các dây thần kinh. Vì bắt vít bằng tay nên phải kết hợp với phương pháp chụp Xquang để đảm bảo độ chính xác. Hơn nữa, kỹ thuật mổ ít xâm lấn cũng đồng nghĩa với việc các bác sĩ sẽ bị giới hạn khoảng nhìn trong vùng cần thao tác so với mổ mở, do đó sẽ phải chụp nhiều ảnh Xquang để quan sát hơn. Việc phát tia X nhiều có nguy cơ gây ung thư cao cho bệnh nhân và phẫu thuật viên. Sử dụng robot thay thế sẽ giúp các bác sĩ định vị và tiến hành các thao tác chính xác nhất trên xương sống của bệnh nhân (độ chính xác tới 1mm (1/25 inch)) trong khi lượng tia phóng xạ phát ra được giảm thiểu tối đa để tránh gây hại cho cả bác sĩ và người bệnh.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, hệ thống robot sẽ thay đổi kỹ thuật mổ cột sống ít xâm lấn từ phương pháp hoàn toàn dùng tay của các bác sĩ trước đây sang phương pháp dùng sự hỗ trợ của robot. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy độ chính xác khi ứng dụng robot là 98,3% (nếu không sử dụng robot hỗ trợ, tỷ lệ vít bị bắt lệch vào khoảng trên 10%), chưa có trường hợp nào gây tổn thương vĩnh viễn dây thần kinh. Sử dụng robot sẽ giảm những tổn thương không cần thiết đến các vùng mô và tế bào xung quanh. Do đó, BN sẽ tránh được những rủi ro trong phẫu thuật, đặc biệt là việc lên kế hoạch hoàn hảo trước mổ. BN giảm nguy cơ phải mổ lại, mất máu ít hơn, ít sẹo hơn, ít đau hơn, hồi phục nhanh hơn.
Sự phối hợp hoàn hảo
Trước khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ sử dụng hệ thống robot hoạch định trước kế hoạch cho ca mổ dựa trên hình ảnh chụp cắt lớp CT mô phỏng cột sống của bệnh nhân dưới dạng 3D. Trong suốt quá trình phẫu thuật, hệ thống robot giúp bác sĩ phẫu thuật định vị chính xác vị trí theo kế hoạch đã vạch sẵn từ trước với độ chính xác cao nhất.
Kế hoạch lập trình mổ cho hai BN Thôn Thị Thanh và Nguyễn Thị Thuận thực hiện ngay tại phòng mổ. BN được gây mê; tiến hành gắn khung định vị trên xương sống. Tiếp theo là đồng bộ hoá hình ảnh 3D (hình ảnh Xquang đứng và xiên với ảnh chụp CT của BN trước mổ kết nối thông tin với nhau để máy hiểu và thực hiện). Chọn trạm điều hành cho robot (robot hoạch định chính xác hướng của vít, vị trí đặt vít). PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch cho biết: cả 2 BN đều tiến hành bắt 4 vít. Trước đây, để bắt 4 vít, với một phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm cần 1 tiếng 30 phút. Nay với hướng dẫn của robot, bắt 4 vít chỉ diễn ra trong vòng 30 phút. Nhưng trường hợp của BN Thanh do bệnh lý phức tạp hơn vì vừa phải cố định cột sống vừa giải ép thần kinh và ghép xương liên thân đốt nên ca mổ đã diễn ra trong 2 giờ đồng hồ. BN Thuận vì mổ lại (do đã mổ thoát vị đĩa đệm cách đây 7 tháng) nên dính nhiều, các cấu trúc giải phẫu bị thay đổi, ca mổ cũng diễn ra trong thời gian tương đương. Sau mổ, cả 2 BN đều tỉnh táo, đỡ đau nhiều. BN Thuận nói chân đã hết hẳn cảm giác tê.
Hiện tại, chi phí một ca PTCS bằng robot khoảng từ 80 - 100 triệu đồng (cao hơn so với 1 ca PTCS thông thường 30-40 triệu). Việc ứng dụng công nghệ robot định vị chính xác trong PTCS đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á mang đến cơ hội điều trị tốt hơn cho những BN mắc các bệnh lý về cột sống, khẳng định tay nghề và trình độ các bác sĩ Việt Nam luôn vươn tới chinh phục các kỹ thuật đỉnh cao của y học.
Theo Mai Linh/SK&ĐS Online