Cập nhật: 28/12/2012 16:28:50 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ruột thừa đôi là một trường hợp bất thường rất khó chẩn đoán, nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu bị bỏ qua trong khi phẫu thuật. Bất thường này có dấu hiệu gì?

Bệnh nguy hiểm nếu bỏ sót

Tuy là một bệnh ít gặp, nhưng các biến chứng phát sinh từ một ruột thừa đôi bị bỏ qua có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Từ ca bệnh sau đây chúng ta sẽ tìm ra những dấu hiệu có ích cho chẩn đoán ruột thừa đôi.

 

Vị trí ruột thừa.

Bệnh nhân 35 tuổi, đau hố chậu phải, khám lâm sàng và các xét nghiệm thấy tình trạng viêm ruột thừa cấp tính. Bệnh nhân đã được mổ nội soi cắt ruột thừa. Ruột thừa cắt ra, nhìn đại thể là bình thường, sau mổ không có biến chứng, không có bất thường nào khác. Bệnh nhân được xuất viện sau phẫu thuật 4 ngày. Nhưng 8 ngày sau bệnh nhân nhập viện lại trong tình trạng: đã 3 ngày đau bụng dưới, đau nhiều vùng hố chậu phải, kèm theo đầy bụng và nôn mửa. Bác sĩ khám thấy: bệnh nhân sốt, nhịp tim nhanh, thể trạng kém, có phản ứng thành bụng; ấn điểm Mcburney đau; các xét nghiệm cho thấy tình trạng viêm, nhiễm khuẩn nặng. Chụp CTscan cho thấy có một khối nhỏ chứa khí và chất lỏng nằm dưới đoạn thứ ba của tá tràng với một cấu trúc hình ống mỏng kéo dài từ khối này đến đoạn cuối hồi tràng. Nhận định ban đầu là: khả năng cao của viêm túi thừa Meckel và bị thủng ở đoạn đầu. Khi tiến hành phẫu thuật nội soi, bác sĩ phát hiện thấy một áp-xe sau manh tràng, xung quanh một ruột thừa thứ hai đang trong tình trạng hoại tử và rất dễ vỡ, đi từ các gốc manh tràng. Khi đó, bác sĩ tìm thấy ngay gốc ruột thừa từ phẫu thuật cắt ruột thừa lần trước, được khâu với vicryl còn nguyên vẹn. Tiến hành cắt ruột thừa thứ 2. Tuy nhiên hậu phẫu lần này phải kéo dài do tắc ruột và đau nhiều. Vì vậy bệnh nhân được xuất viện sau phẫu thuật 10 ngày. Chẩn đoán mô học cho thấy đây là một ruột thừa hoại tử, so sánh với ruột thừa cắt lần đầu thì cả hai lần phẫu thuật đã cắt 2 ruột thừa.

 

Các dạng ruột thừa đôi

Nhiều nghiên cứu cho thấy, ruột thừa có sự thay đổi về kích thước và vị trí là khá phổ biến, nhưng sự bất thường của ruột thừa đôi là hiếm và có thể được liên kết với các bất thường bẩm sinh khác. Theo một thống kê, trong 50.000 mẫu ruột thừa chỉ có 2 trường hợp ruột thừa đôi bẩm sinh. Tỷ lệ của ruột thừa đôi được ước tính là 0,004%. Trong đó phải phân biệt giữa ruột thừa đôi với túi thừa đơn độc của manh tràng, được tìm thấy ở cạnh bên trong của góc hồi manh tràng và không chứa mô lympho.

 

 Theo phân loại Cave-Wallbridge  dựa trên các trường hợp báo cáo và phân chia ruột thừa đôi thành ba loại gồm: týp A là một manh tràng với gốc ruột thừa bình thường, chỉ có 1 phần nhân đôi. Týp B là một manh tràng với hai ruột thừa hoàn toàn riêng biệt và được chia thành hai nhóm nhỏ là: loại B1 là hai ruột thừa nằm đối xứng ở hai bên của góc hồi manh tràng, giống như ở các loài chim; loại B2 còn gọi là loại “dải cơ dọc manh tràng” là một ruột thừa xuất phát từ gốc manh tràng như bình thường và ruột thừa thứ hai ở vị trí dọc theo các dải cơ dọc khác với ruột thừa thứ nhất. Týp C là nhân đôi đầu manh tràng, từng manh tràng có ruột thừa riêng của mình.

 

Trở lại trường hợp bệnh nhân ở trên, ruột thừa đôi của bệnh nhân này thuộc loại B2 và đây là ruột thừa đôi thường gặp nhất. Tuy hiếm, nhưng ruột thừa đôi vẫn có thể gặp. Nếu bỏ qua ruột thừa đôi có thể gây biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của bệnh nhân. 

 

Cảnh giác phát hiện bệnh

Qua trường hợp trên, bác sĩ thực hiện phẫu thuật cắt ruột thừa nên chú ý về khả năng của ruột thừa đôi. Bác sĩ cần kiểm tra manh tràng khi cắt ruột thừa trong quá trình phẫu thuật để loại trừ các bất thường ruột thừa. Việc ghi nhớ phân loại Cave-Wallbridge rất có ích cho bác sĩ phẫu thuật để phát hiện các dạng của ruột thừa đôi.

 

Đối với bệnh nhân sau mổ viêm ruột thừa: cần cảnh giác khi đang trong những ngày hậu phẫu mà có sốt trở lại, có đau bụng dưới, đau nhiều vùng hố chậu phải, có đầy bụng, nôn mửa. Tự ấn vùng hố chậu phải thấy đau, sờ vào thành bụng có phản ứng khác thường... Khi đó cần nhanh chóng trở lại bệnh viện đã mổ ruột thừa cho mình để được khám và chẩn đoán điều trị thích hợp. Bệnh nhân không nên đi khám ở một nơi khác vì sự theo dõi bệnh không được đầy đủ chi tiết bằng nơi bệnh nhân đã mổ, dễ dẫn đến việc chẩn đoán khó chính xác một trường hợp ruột thừa đôi. Hiểu biết về ruột thừa đôi giúp bệnh nhân thông cảm và phối hợp tốt với bác sĩ trong quá trình điều trị.   

 

 

 

Theo ThS. Trần Ngọc Hương

SK & ĐS Online

Tệp đính kèm