Trước đây, loét dạ dày – tá tràng là một căn bệnh rất ít gặp ở trẻ em nên đối với nhiều người, kể cả thầy thuốc, những cơn đau bụng ở trẻ thường được quy cho những nguyên nhân khác như rối loạn tiêu hóa, đau bụng do giun… nhưng trên thực tế đau bụng do nguyên nhân loét dạ dày - tá tràng chiếm một tỷ lệ không nhỏ ở trẻ em dưới tuổi 15.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng (DD - TT) ở trẻ em như nguyên nhân do sử dụng các thuốc chống viêm giảm đau loại phi steroide như aspirin, ibuprofen, diclofenac. Các thuốc này thường được sử dụng trong các bệnh về khớp, chống ngưng tập tiểu cầu trong các bệnh lý như bệnh mạch vành, nhồi máu não. Do có tác dụng trên men cyclooxygenase nên làm giảm một chất gọi là prostacyclin E2 (PG E2), chất này có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày thông qua việc làm tăng lớp chất nhày nên khi PG E2 bị giảm thì lớp chất nhày giảm theo, tạo điều kiện cho acide dịch vị “tấn công” lớp niêm mạc gây viêm dạ dày cấp.
Loét DD - TT ở trẻ em cũng thường gặp ở các bệnh nhân bị các stress về tâm lý, ở các gia đình có bố mẹ không hòa thuận hoặc do điều kiện học hành căng thẳng quá mức cần thiết. Ở các bệnh nhân có các tình trạng nặng nề như chấn thương, bỏng nặng, nhiễm trùng nặng, loét cấp DD - TT cũng có thể xảy ra. Vi khuẩn Helicobacter pylory cũng có thể là nguyên nhân gây loét DD - TT ở trẻ em nhưng tỷ lệ thấp hơn so với ở người lớn và hay gặp ở những trường hợp tái phát nhiều lần.
Biểu hiện như thế nào?
Các biểu hiện của viêm loét DD - TT ở trẻ em bao gồm ăn uống khó tiêu, đau âm ỉ vùng thượng vị, cá biệt có trường hợp đau dữ dội lan ra sau lưng. Dấu hiệu ợ hơi, ợ chua ít gặp hơn ở người lớn. Bệnh nhân có thể có triệu chứng nôn, buồn nôn,… kèm theo. Trẻ mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút, mất tập trung trong học tập. Nhiều trường hợp có biểu hiện trầm cảm, căng thẳng, suy nhược thần kinh. Các triệu chứng có thể tăng lên sau khi ăn, nhất là ăn các loại thức ăn, đồ uống gây kích thích niêm mạc dạ dày như tỏi, ớt, chuối, …. Khi nội soi dạ dày sẽ thấy rõ mức độ, vị trí của ổ loét dạ dày hay tá tràng.
Nhiều trường hợp, các ổ loét tiến triển âm thầm không có biểu hiện gì đặc biệt mà biểu hiện ngay các dấu hiệu của thủng ổ loét: đau bụng dữ dội như dao đâm vùng thượng vị lan ra sau lưng, bụng chướng căng, gõ mất vùng đục trước gan. Chụp Xquang bụng không chuẩn bị thấy có hình ảnh liềm hơi dưới cơ hoành. Trường hợp này chắc chắn phải phẫu thuật cấp cứu.
Cũng có khi loét DD - TT ở trẻ biểu hiện đầu tiên là triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa do ổ loét ăn sâu vào một mạch máu của dạ dày. Trường hợp này hay gặp ở những ổ loét mới (loét non) và vị trí ở gần các mạch máu nuôi dạ dày – tá tràng như động mạch vành vị, động mạch vị tá tràng... Biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa do loét DD - TT bao gồm nôn ra máu hoặc dịch đen, đại tiện phân đen, các triệu chứng mất máu cấp. Nội soi DD - TT sẽ giúp xác định rõ vị trí của ổ loét và mức độ chảy máu để can thiệp bằng tiêm xơ cầm máu, kẹp clip hoặc miếng băng dán cầm máu. Những trường hợp máu đang chảy thành tia hoặc đang đùn ra ở đáy ổ loét có thể phải phẫu thuật nếu can thiệp bằng nội soi không thành công.
Những ổ loét vùng hang môn vị, nếu không được điều trị, lâu dần sẽ xơ chai, gây co kéo, chít hẹp môn vị khi có đợt phù nề, viêm nhiễm với các biểu hiện của hẹp môn vị như đau nhiều khi ăn, nôn nhiều ra dịch đen, có tiếng lắc óc ách khi đói.
Điều trị
Khi có triệu chứng của loét DD - TT ở trẻ em, cần ngừng ngay các yếu tố có thể là nguyên nhân và đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và có chỉ định điều trị thích hợp. Các thuốc được sử dụng để điều trị bao gồm các thuốc bọc niêm mạc dạ dày, thuốc giảm tiết dịch vị, giảm đau và có thể phải sử dụng thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn Helicobacter pylory,...
Một vấn đề hết sức lưu ý đó là chế độ ăn trong viêm dạ dày cấp. Bệnh nhân nên tránh các thức ăn có chứa cafein như cà phê, ca cao, sô cô la,... Không nên ăn hành tỏi, hạt tiêu, ớt, cà chua hoặc thức ăn có xốt cà chua; không ăn chuối khi đang viêm dạ dày cấp vì chuối là loại thực phẩm có chứa nhiều kali nên có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm tăng cơn đau; tránh các thực phẩm sinh nhiều hơi trong ruột như cải bắp, súp lơ, các chất muối dấm chua như dưa muối, cải, dưa chuột dầm dấm, thức ăn rán, thức ăn có nhiều mỡ hoặc hạt, củ rang khô như lạc, ngô…
Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Đức Định
Theo SK & ĐS Online