Stress hay trình trạng căng thẳng, lo âu quá mức có thể làm tăng huyết áp và gây nên các bệnh tim mạch.
Sự đáp ứng của cơ thể đối với tình trạng stress
Gần đây, tình trạng stress, hay tình trạng căng thẳng, lo âu quá mức, thường được đề cập đến rất nhiều trong lĩnh vực sức khỏe. Nguyên nhân gây nên hiện tượng stress rất khác nhau nhưng phản ứng của cơ thể đối với tình trạng căng thẳng, lo âu quá mức lại giống nhau và thường trải qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn báo động:
Các hoạt động tâm lý hàng ngày của con người thường được tăng cường, đặc biệt là qua quá trình tập trung chú ý, ghi nhớ và tư duy. Khi con người tiếp xúc với các yếu tố có thể gây nên stress, các chức năng của cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh giao cảm tăng cường hoạt động làm tăng huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và trương lực của cơ bắp... Giai đoạn này thường xảy ra nhanh từ vài phút đến vài giờ. Con người có thể bị đột tử trong giai đoạn này nếu gặp phải yếu tố stress xảy ra đột ngột, phức tạp và quá sức chịu đựng. Nếu cố gắng vượt qua được, các phản ứng của cơ thể lúc ban đầu sẽ chuyển sang giai đoạn thích nghi.
Giai đoạn thích nghi:
Đây là giai đoạn tiếp nối đối với những người có sức đề kháng của cơ thể tốt, có thể làm chủ được tình huống stress xảy ra. Nếu khả năng thích ứng của cao, các chức năng tâm sinh lý của cơ thể sẽ được phục hồi. Ngược lại, nếu quá trình phục hồi không thể xảy ra thì cơ thể sẽ chuyển sang giai đoạn kiệt quệ.
Giai đoạn kiệt quệ:
Phản ứng của cơ thể đối với hiện tượng stress sẽ trở thành bệnh lý khi tình huống stress xảy ra bất ngờ, dữ dội, vượt quá khả năng thích nghi của cơ thể. Trong giai đoạn này, các biến đổi tâm sinh lý tập trung ở giai đoạn báo động sẽ xuất hiện trở lại.
Về mặt lâm sàng, phản ứng của cơ thể đối với hiện tượng stress sẽ làm cho người bệnh hưng phấn quá mức về cả tâm lý và thực thể với các biểu hiện như tăng trương lực cơ làm với nét mặt căng thẳng, hành động và cử chỉ bị cứng nhắc, có cảm giác đau bên trong cơ thể. Ngoài ra, còn bị rối loạn thần kinh thực vật như nhịp tim nhanh, có cơn đau vùng trước tim, huyết áp tăng, khó thở, ngất xỉu, vã mồ hôi, nhức đầu, đau ở nhiều nơi, nhất là cơ bắp. Đồng thời có hiện tượng tăng cảm giác, nhất là thính giác nên những tiếng động và âm thanh bình thường cũng trở nên khó chịu, dễ nổi cáu, tinh thần bất an, dễ bị kích động, rối loạn hành vi và nhân cách...
Mỗi người có một cách đáp ứng lại với những stress khác nhau. Sự đáp ứng sinh lý của mỗi người đối với stress tùy thuộc vào sự nhận biết về các kích thích có hại cho bản thân hay không nhận biết được. Chúng cũng phụ thuộc vào khả năng tiên đoán và khả năng kiểm soát của các tình huống có hại.
Sự nhận thức về khả năng tiên đoán và kiểm soát của con người đối với các tình huống xảy ra có ảnh hưởng lên sự tác động của stress. Các sự kiện xảy ra cũng không có tính chất gây nên stress giống nhau ở tất cả mọi người. Mức độ stress phụ thuộc vào ý nghĩa của sự kiện và những tiềm năng sẵn có cũng như như những kỹ năng và tiềm năng sẵn có của mỗi người trong việc đối phó với sự kiện. Khi một sự kiện được nhận định là lành tính, những cảm xúc tích cực như vui vẻ, thương yêu, hạnh phúc, phấn khởi, thanh thản sẽ diễn ra. Ngược lại, khi sự kiện được đánh giá là có tác dụng xấu, những cảm xúc tiêu cực như lo âu, sợ hãi, tội lỗi, thất vọng hoặc trầm uất sẽ xuất hiện. Những sự kiện và stress tích cực có tính chất tăng cường sức khỏe. Trái lại, những sự kiện và stress tiêu cực xảy ra nhưng khả năng của cơ thể đối phó, điều chỉnh tình huống không hiệu quả và không đầy đủ sẽ là các yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe, kể cả tính mạng.
Tình trạng stress gây nên bệnh lý tim mạch
Ngoài tác động làm tăng huyết áp, hiện tượng stress có thể gây nên bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch và đột tử.
Sự căng thẳng tâm lý, lo âu quá mức có thể thúc đẩy quá trình làm xơ vữa động mạch vì chúng được các nhà khoa học, y học cho là một yếu tố quan trọng gây nên bệnh lý xơ vữa động mạch. Đối với những người có sự hiểu biết về stress, có sức khỏe tốt và tâm lý vững vàng sẽ dễ dàng vượt qua được những tác động ảnh hưởng của stress và có được một cuộc sống vô tư, tươi vui, lành mạnh. Ngược lại những người có cơ thể ốm yếu, tinh thần suy sụp, không thể vượt qua và thích nghi nổi với những sự kiện tiêu cực và stress thì dễ dàng phát sinh bệnh tật, có thể ảnh hưởng lớn sức khỏe và có thể dẫn đến đột tử khi gặp phải những cú sốc quá lớn xảy ra trong cuộc đời.
Có giả thuyết cho rằng khi bị căng thẳng về tinh thần hay tâm lý cấp tính có thể gây rung tâm thất tim và bị đột tử do sự kích hoạt hệ thống bảo vệ dẫn đến hiện tượng giảm đột ngột trương lực thần kinh phó giao cảm. Thông qua cơ chế thần kinh phó giao cảm trung ương sẽ làm mất sự ổn định về điện học của tim được biểu hiện trên điện tâm đồ. Trong khi đó, trương lực thần kinh giao cảm ở tim tăng dẫn đến triệu chứng tăng nhịp tim, tăng sức co bóp của cơ tim, tăng huyết áp tâm thu, gây thiếu máu cơ tim ở các bệnh nhân có xơ vữa động mạch vành dẫn đến nguy cơ bị rung tâm thất và đột tử.
Làm gì để giảm thiểu stress?
Qua cuộc sống đời thường, hàng ngày tất cả mọi người đều có thể bị stress tác động, ảnh hưởng nhiều hoặc ít đến bản thân và chúng có thể gây nên tình trạng xấu cho sức khỏe, đặc biệt là hiện tượng tăng huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, thậm chí dẫn đến hậu quả bị đột tử. Vì vậy, cộng đồng cần phải nâng cao nhận thức, tạo cho bản thân mình cách sắp xếp, bố trí công việc và sinh hoạt một cách hợp lý để làm giảm thiểu những stress có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Biện pháp để làm giảm thiểu stress bao gồm việc chọn lựa cho mình những loại thức ăn có lợi cho sức khỏe; vận động bằng luyện tập thể dục, thể thao phù hợp; học cách hít thở khoa học; bố trí việc nghỉ ngơi hợp lý; dành thời gian có ý nghĩa cho các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ tết; tránh những thói quen, tập quán xấu như uống rượu, bia quá nhiều; giảm bớt lượng muối trong thức ăn, bỏ hút thuốc lá... Một vấn đề cũng cần được ghi nhớ là nên bố trí công việc hàng ngày một cách khoa học, hợp lý, vừa phải với sức lực của mình.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
Theo SK&ĐS Online