Đồ ăn nhanh - món khoái khẩu của trẻ em nhiều nước trên thế giới có thể là thủ phạm gây ra các bệnh hen suyễn, viêm da hay viêm mũi- màng kết.
Đây là kết luận trong công trình nghiên cứu của các nhà khoa học New Zealand, được công bố trên tạp chí "Thorax" trực tuyến ngày 22/1.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Auckland đã tiến hành nghiên cứu thói quen ăn uống của 319.000 thanh thiếu niên tại 51 nước và 181.000 trẻ nhỏ ở 31 quốc gia khác trong vòng 12 tháng. Đa phần cha mẹ chúng đều cho biết con cái họ thường xuyên mắc các bệnh nói trên.
Qua phân tích chế độ ăn uống của trẻ, loại đồ ăn ưa thích của chúng, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa đồ ăn nhanh với các bệnh hen suyễn, viêm da, viêm mũi. Theo đó, ăn đồ ăn nhanh tối thiểu ba lần/tuần có thể làm tăng 39% và 27% nguy cơ mắc các bệnh trên lần lượt ở thanh thiếu niên và trẻ nhỏ.
Giới chuyên gia cũng liệt kê ra một danh mục các đồ ăn có lợi và có hại cho sức khỏe con người gồm thịt, cá, rau củ quả, đậu, ngũ cốc, bánh mỳ, mỳ sợi, gạo, bơ động vật, bơ thực vật, hạt hạnh nhân, khoai tây, sữa, trứng và các loại đồ ăn nhanh trong đó có bánh mỳ kẹp thịt.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh nói trên, các nhà khoa học khuyến cáo cha mẹ nên cho con cái ăn nhiều rau củ quả, ít nhất 3 lần/tuần. Thực hiện chế độ ăn uống giàu rau xanh này thường xuyên có thể giảm được 11% nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, viêm da, viêm mũi ở trẻ vị thành niên và 14% ở trẻ nhỏ.
Nguyên nhân được các chuyên gia lý giải là do đồ ăn nhanh có chứa hàm lượng cao axít chất béo chuyển hóa và axít hòa tan, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, trong khi đó hoa quả lại giàu chất chống ôxy hóa và một số thành phần có lợi khác.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng cần có thêm những nghiên cứu tiếp theo về vấn đề này./.
Theo TTXVN