Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, qua kiểm tra một số mẫu hướng dương trên thị trường, kết quả không phát hiện kim loại nặng chì, các kim loại khác nằm trong giới hạn cho phép. Ngoài ra không phát hiện độc tố vi nấm Aflatoxin trong tất cả các mẫu kiểm nghiệm.
Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng nhôm toàn phần (để đánh giá sự có mặt của phèn nhôm) và hàm lượng magie, silic (để đánh giá sự có mặt của bột talc) cho thấy 10/10 mẫu đều có hàm lượng thấp.
10 mẫu hạt hướng dương chín bao gồm: hai mẫu hạt hướng dương trắng và tám mẫu hạt hướng dương đen được lấy tại chợ Hôm và chợ Lương Yên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tiến hành kiểm nghiệm dựa trên 14 chỉ tiêu đánh giá về kim loại như (nhôm, silic, magie, sắt, đồng, kẽm, crom, cô ban, chì, cadimi, arsen…) và độc tố.
Ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục giám sát, lấy mẫu các sản phẩm hạt hướng dương để đánh giá tồn dư hóa chất độc hại và cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng.
Ông Trung lưu ý người tiêu dùng nên chọn mua các loại hướng dương có bao bì, nguồn gốc rõ ràng, tránh mua những loại hạt bóng quá, màu sắc không rõ ràng.
Trước đó, một số trang báo điện tử của Trung Quốc đưa tin cơ quan chức năng Thành phố Tô Châu, Triết Giang, Trung Quốc vừa lấy mẫu, kiểm tra hạt hướng dương trên thị trường và phát hiện bảy loại có chứa chất phèn nhôm và bột talc (hoá chất dùng trong công nghiệp để chống dính khuôn).
Theo Cục An toàn thực phẩm, phèn nhôm gồm hai loại phèn đơn (nhôm sunfat) và phèn kép (nhôm kali, nhôm amon sunfat) hoặc dung dịch phèn nước (thông thường là dung dịch phèn nhôm sắt), được sử dụng để lắng trong nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, trong sản xuất và chế biến thực phẩm, Bộ Y tế đã cho phép sử dụng hai loại là Kali nhôm sunfat và Amoni nhôm sunfat trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 27/2012/TT-BYT về “Hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm”.
Phụ gia thực phẩm Kali nhôm sunfat được sử dụng trong nhóm thực phẩm: rau đóng hộp, đóng chai (đã thanh trùng) hoặc đóng túi (bao gồm nấm, rễ, thực vật thân củ và thân rễ, đậu, đỗ, lô hội) và tảo biển. Phụ gia thực phẩm Amoni nhôm sunfat được dùng trong nhóm thực phẩm: cá và sản phẩm thủy sản rán hoặc nấu chín, kể cả nhuyễn thể, giáp xác, da gai.
Bột talc (loại chỉ để dùng trong sản xuất và chế biến thực phẩm) được sử dụng trong nhiều nhóm thực phẩm như: sữa bột, cream bột (nguyên chất), các sản phẩm tương tự sữa bột và cream bột, pho mát ủ chín hoàn toàn (kể cả bề mặt)…
Theo LÊ HẠNH NGUYÊN/Nhân dân điện tử