Cập nhật: 27/04/2013 07:55:08 Article Rating
Xem cỡ chữ

Căn cứ trên dấu hiệu lâm sàng, bệnh sốt rét có thể chia thành các thể bệnh khác nhau như thể sốt rét thông thường điển hình, thể sốt rét mang ký sinh trùng lạnh, thể cụt, thể dai dẳng, thể ác tính và thể tiểu huyết cầu tố.

Các thể bệnh sốt rét trên lâm sàng được phân loại để giúp cho việc phát hiện, chẩn đoán xác định bệnh nhằm hỗ trợ cho công tác điều trị, theo dõi và quản lý bệnh nhân có hiệu quả.

 

Thể thông thường điển hình có cơn sốt điển hình với 3 giai đoạn rét run, nóng sốt, vã mồ hôi và giảm nhiệt độ cơ thể. Cơn sốt thường kéo dài khoảng 2 - 3 giờ. Ngoài cơn sốt, bệnh nhân có thể ăn uống, đi đứng, sinh hoạt trở lại bình thường. Các cơn sốt tiếp theo thường xảy ra có chu kỳ như sốt hàng ngày khi bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum, sốt cách một ngày còn gọi là sốt cách nhật khi bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium vivax hoặc sốt cách hai ngày còn gọi là sốt 3 ngày một cơn khi bị nhiễm Plasmodium malariae.

 

Thể mang ký sinh trùng lạnh là thể bệnh ở những bệnh nhân có mang ký sinh trùng sốt rét ở trong máu nhưng không có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng của bệnh sốt rét ra bên ngoài. Thể bệnh này bao gồm những người mang ký sinh trùng lạnh tiên phát đối với bệnh nhân có ký sinh trùng trong máu nhưng chưa bao giờ bị sốt; những người mang ký sinh trùng lạnh thứ phát đối với bệnh nhân đã bị lên cơn sốt nhưng sau đó không sốt mặc dù trong máu người bệnh còn ký sinh trùng sốt rét do bệnh nhân đã thích nghi, có thể đã có kháng thể chống lại sốt rét hoặc do số lượng ký sinh trùng sốt rét còn quá ít chưa đến ngưỡng gây sốt và những người mang ký sinh trùng lạnh trong giai đoạn thứ phát của bệnh.

 

Thể cụt là thể bệnh xảy ra ở những bệnh nhân chỉ bị ớn sốt, gai sốt, ngáp vặt, bị sốt nhẹ trong khoảng từ 1 - 2 giờ nhưng không thành cơn, có khi người bệnh không được điều trị cũng tự cắt cơn sốt. Thể bệnh này thường hay gặp ở những bệnh nhân bị sốt rét lâu năm, cơ thể đã có một phần miễn dịch sốt rét do có quá trình sinh sống ở trong vùng sốt rét lưu hành. Xét nghiệm máu phát hiện có ký sinh trùng sốt rét.

 

Thể dai dẳng là thể bệnh thường do ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây nên. Bệnh nhân bị sốt rét lai rai, điều trị hết đợt vẫn không diệt được hết ký sinh trùng sốt rét ở trong máu và không thể cắt được cơn sốt hoặc dứt được cơn sốt, trong vài ngày lại lên cơn sốt. Theo GS. Bùi Đại, có hai kiểu sốt rét dai dẳng. Kiểu thứ nhất là kiểu sốt rét dai dẳng kéo dài từ 7 - 10 ngày trở lên, có khi tới 2 - 3 tuần, điều trị hết đợt thuốc sốt rét vẫn không cắt được cơn sốt và không diệt được hết ký sinh trùng. Kiểu thứ hai với biểu hiện lâm sàng có sốt và xuất hiện ký sinh trùng sốt rét ở trong máu kéo dài chỉ vài ngày, thường dưới 1 tuần rồi chấm dứt. Nhưng sau đó khoảng 7 ngày, ký sinh trùng sốt rét lại xuất hiện trở lại và gây sốt tái phát. Có trường hợp bệnh nhân có thể bị sốt từ 3 - 4 đợt trong khoảng thời gian 1 tháng.

 

Bệnh nhân bị sốt rét dai dẳng thường dẫn đến hậu quả biến chứng như thiếu máu, bị suy kiệt, teo cơ hoặc bệnh từ nhẹ chuyển thành nặng; một số trường hợp có thể chuyển sang thể sốt rét ác tính. Nguyên nhân dẫn đến thể sốt rét dai dẳng do ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum bị nhiễm đã kháng lại với thuốc điều trị; do liệu trình điều trị không đủ liều lượng, không đủ thời gian nên không đủ hiệu lực diệt được hết ký sinh trùng sốt rét ký sinh ở trong máu; do bệnh nhân chưa có tính miễn dịch đối với sốt rét hoặc bệnh nhân bị mắc sốt rét và các bệnh khác kèm theo làm giảm sức đề kháng và khả năng tạo miễn dịch trong cơ thể để chống lại ký sinh trùng sốt rét.

 

Thể ác tính là thể bệnh sốt rét nguy kịch do bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây nên. Chúng làm rối loạn huyết động, tắc nghẽn vi tuần hoàn phủ tạng như não, gan, lách, thận, tim, phổi... Chủ yếu làm giảm thiểu sự cung cấp máu, thiếu hụt oxygen vận chuyển đến các tổ chức, mô tế bào. Nói chung, sốt rét ác tính do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum là một bệnh hệ thống gây nên những biến đổi ở hầu hết các phủ tạng từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng rồi dẫn đến hậu quả tử vong. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh lý sốt rét ác tính là thiếu oxygen ở mô tế bào, do suy giảm khả năng vận chuyển oxygen của máu, tổn thương tế bào nội mạc thành mạch máu, thay đổi tuần hoàn máu tại chỗ cũng như toàn thân dẫn đến hội chứng suy sụp đa phủ tạng (mof: multi organs failure).

 

Theo y văn, chủng loại ký sinh trùng gây nên sốt rét ác tính chủ yếu là Plasmodium falciparum. Tuy vậy, cũng có một số nhà khoa học đã đề cập đến vai trò của chủng loại ký sinh trùng Plasmodium vivax nhưng hầu hết các nhà khoa học vẫn nghi ngờ khả năng gây nên sốt rét ác tính của ký sinh trùng Plasmodium vivax vì cho rằng có thể một số trường hợp sốt rét ác tính phát hiện thấy Plasmodium vivax trong máu bệnh nhân trên lam máu nhuộm giemsa soi dưới kính hiển vi quang học nhưng thực chất có thể người bệnh bị nhiễm phối hợp cả hai chủng loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax hoặc có sự nhầm lẫn nào đó trong chẩn đoán bệnh.

 

Hiện nay có 4 giả thuyết được các nhà khoa học nêu ra để giải thích những thương tổn thực thể và rối loạn chức năng các cơ quan trong sốt rét ác tính là giả thuyết về bệnh lý biến dạng của hồng cầu, giả thuyết về tăng tính thấm của thành mạch máu, giả thuyết kết dính tế bào máu với thành mạch và giả thuyết về đáp ứng miễn dịch.

 

Thể tiểu huyết cầu tố cũng thường xảy ra trên những bệnh nhân sốt rét do nhiễm chủng loại Plasmodium falciparum. Thể bệnh này thường gặp tại vùng sốt rét lưu hành nặng và trên những bệnh nhân bị sốt rét dai dẳng, hay tái đi tái lại hoặc điều trị sốt rét một cách thất thường. Bệnh biểu hiện bằng tình trạng huyết tán đột ngột, dữ dội, gây thiếu máu cấp tính; có triệu chứng vàng da - niêm mạc và tiểu ra huyết cầu tố dễ dẫn đến suy thận cấp tính gây hậu quả tử vong với tỷ lệ cao nếu người bệnh không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời một cách khẩn cấp.

 

Diễn biến lâm sàng của bệnh nhân bị sốt rét tiểu huyết cầu tố thường trải qua hai giai đoạn là giai đoạn khởi phát kéo dài từ nửa ngày đến một ngày; sau đó là giai đoạn toàn phát gây nên những triệu chứng rầm rộ hơn.

 

Hiện nay, cơ chế gây nên sốt rét tiểu huyết cầu tố có nhiều giả thuyết khác nhau như giả thuyết do một á chủng của ký sinh trùng Plasmodium falciparum thường thấy ở một vùng nhất định, giả thuyết do khả năng nhiễm độc dị ứng với thuốc sốt rét, giả thuyết do một số hoặc tất cả ký sinh trùng sốt rét có thể có một chất giống yếu tố Rh (Rhesus) ở trong máu, giả thuyết do ký sinh trùng sốt rét làm thay đổi hóa học màng hồng cầu làm nó trở thành tự kháng nguyên kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chống lại hồng cầu.

Sốt rét tiểu huyết cầu tố là một thể bệnh nặng của bệnh sốt rét, rối loạn và tổn thương cơ bản nhất là hiện tượng huyết tán cấp diễn. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có một giả thuyết nào đầy đủ giải thích về cơ chế bệnh sinh của sốt rét tiểu huyết cầu tố.  

     

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

 

 

 

Theo SK & ĐS Online

 

Tệp đính kèm