Âm nhạc Chăm có vị trí rất quan trọng trong mảng văn hóa đa sắc, độc đáo, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.
Các cô gái Chăm trong đội vũ công Phan Rang đang biểu diễn một điệu múa truyền thống dưới chân tháp Chăm (ảnh: internet)
Được thành lập từ năm 1993, đến nay, Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận đã có 25 ca sĩ, diễn viên. Suốt 20 năm hoạt động, Đoàn đã tham gia 3 kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và gặt hái nhiều thành công.
Những ngày đầu khi mới thành lập, Đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết cán bộ diễn viên đều trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng. Với niềm say mê văn hóa nghệ thuật dân tộc, các lớp nhạc công, ca sĩ, diễn viên trẻ tham gia biểu diễn đều là người Chăm đã tụ về, xây dựng Đoàn ngày càng phát triển.
Chương trình biểu diễn của Đoàn luôn hấp dẫn, cuốn hút người xem. Nhiều tiết mục đã trở nên nổi tiếng như các điệu múa “Trống hội Plei Chăm”; “Siva”; “Tình làng gốm”.Nhiều bài hát đã được nhiều khán giả cả nước biết đến như “Làng Chăm ơn Bác”, “Tiếng trống hội Katê”; “Tháp nắng”, “Chiếc nhẫn mưta”, “Miền đất Panduranga”, “Giấc mơ Chapi”…
Sự thành công của các chương trình biểu diễn của Đoàn có được là do đoàn luôn sử dụng chất liệu dân gian Chăm để xây dựng chương trình và sự nhiệt tình tập luyện của các nghệ sĩ người Chăm. Những điệu múa dân gian Chăm không phải ai cũng có thể biểu diễn điêu luyện được, mà đòi hỏi nghệ nhân múa phải múa bằng tâm hồn, múa bằng ánh mắt, trái tim, tình yêu nghệ thuật văn hóa dân tộc mình.
Chị Thành Thị Châu, diễn viên múa của Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: "Là đứa con dân tộc Chăm, khi các lễ hội diễn ra ở các làng Chăm, ai cũng có thể múa được hết các điệu múa dân tộc mình. Nhưng muốn đưa tác phẩm của mình biểu diễn trên sấn khấu được hay, độc đáo, chúng tôi phải kết hợp mắt, khuôn mặt, tay, chân…Ví như biểu diễn múa Rija Praong, Rija Negar chúng tôi phải tập trung, sáng tạo từ những điệu múa dân gian trong cộng đồng mình để làm giàu thêm văn hóa dân tộc".
20 năm qua, Đoàn đã đạt 30 huy chương vàng và 14 huy chương bạc. Năm 1995, Đoàn đã tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại thành phố Huế và đã giành giải nhất với vở dân ca kịch Chăm: “Nàng Mơ Hoa và chàng Trà Mứ”. Ngoài ra, Đoàn còn nhận được giải Bông sen vàng và rất nhiều giải toàn đoàn, giải các chương trình, tiết mục cho tập thể và cá nhân qua các kỳ hội thi, hội diễn. 4 cá nhân được tỉnh Ninh Thuận trao tặng danh hiệu nghệ sỹ xuất sắc. Hàng năm, Đoàn đã biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh vào các dịp lễ, tết cổ truyền nhằm góp phần giữ vững phong trào văn nghệ quần chúng.
Đoàn còn được vinh dự biểu diễn phục vụ vào các dịp sinh hoạt chính trị trong tỉnh và toàn quốc. Với thành tích trên, Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen khác.
Bên cạnh những thành tích đạt được, hiện nay, Đoàn còn rất nhiều khó khăn, thiếu kinh phí cho các hoạt động tập luyện và biểu diễn. Một số diễn viên, ca sĩ trong Đoàn làm việc không lương, chỉ có tiền bồi dưỡng tập luyện và biểu diễn rất ít ỏi 280.000 đồng mỗi tháng. Trang thiết bị cũ kỹ, phương tiện để đưa Đoàn đi biểu diễn còn phải thuê bên ngoài.
Sự tồn tại và phát triển của văn học nghệ thuật, nhất là lĩnh vực âm nhạc của dân tộc Chăm, có vị trí rất quan trọng trong mảng văn hóa đa sắc, độc đáo, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của tỉnh Ninh Thuận và các ngành của Trung ương để Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm Ninh Thuận tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống vốn có của dân tộc mình, góp phần vào sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật các dân tộc Việt Nam./.
Theo PV/VOV.VN