UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành Quyết định công nhận “Làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên”.
Ảnh minh họa
Việc công nhận làng nghề này sẽ tạo cơ hội xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên trên thị trường, đồng thời quảng bá nét đẹp văn hóa làng nghề truyền thống Huế đến du khách.
Được biết, Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên được hình thành và phát triển đã hơn 300 năm. Hiện nay, làng có 17 hộ chuyên làm hoa giấy, trong đó có 4 hộ chuyên làm hoa sen giấy.
Tục làm nghề hoa giấy làng Thanh Tiên được xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tục xưa, hoa giấy được trang trí ở những nơi thờ tự như: Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và Ông táo. Hàng năm hoa giấy được thay thế một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh thành lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng cũng như những nơi có người Huế cư ngụ mỗi khi Tết đến, xuân về.
Ngày nay, với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của người dân, nghệ thuật làm hoa giấy không dừng lại ở việc thờ cúng mà phát triển phong phú hơn, mô phỏng đầy đủ các loại hoa có trong tự nhiên như: hoa bìm bìm (hoa loa kèn); hoa cúc đơn, cúc kép; hoa mắm nêm, hoa tường vi, hoa dã quỳ và điển hình là hoa sen. Nếu đứng ở tầm xa khoảng vài mét, bắt gặp ở đâu đó một bó hoa sen với đầy đủ hoa, lá, nụ thì khó có thể phân biệt hoa sen thật và hoa sen giấy Thanh Tiên.
Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã đạt đến mức tinh xảo về nghệ thuật. Những cành hoa, cuống hoa được tẩm màu từ việc chiết xuất các loại cây cỏ trong làng, tạo nên những màu sắc đặc trưng không lẫn được của hoa giấy Thanh Tiên. Giấy làm hoa cũng do những người thợ tự nhuộm, mỗi gia đình có một bí kíp nhuộm riêng...
Theo chinhphu.vn