Những địa phương có nhu cầu sử dụng giáo viên tiểu học trình độ trung cấp chuyên nghiệp trong hai năm tới có thể được phép mở ngành sư phạm tiểu học trình độ trung cấp chuyên nghiệp và đào tạo ngành này. Tuy nhiên, sở giáo dục và đào tạo phải báo cáo chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để có văn bản chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền cam kết sẽ đảm bảo việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp.
Giờ học của cô và trò trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+).
Đây là một trong những nội dung "Hướng dẫn đào tạo ngành sư phạm tiểu học trình độ trung cấp chuyên nghiệp" vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi tới các sở trực thuộc.
Theo đó, Bộ đề nghị các sở tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy hoạch đội ngũ giáo viên tiểu học theo hướng phù hợp với nhu cầu sử dụng của địa phương, xem xét việc mở ngành và chỉ đạo các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm tiểu học trình độ trung cấp chuyên nghiệp phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng giáo viên trình độ này của địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.
Địa phương nào có nhu cầu tuyển dụng có thể phối hợp với một số địa phương khác nơi đang thừa giáo viên để tuyển dụng.
Cơ sở nào đào tạo giáo viên tiểu học trình độ trung cấp chuyên nghiệp theo nhu cầu sử dụng của các địa phương khác thì phải có hợp đồng đào tạo với cơ quan có thẩm quyền sử dụng các giáo viên này của địa phương đó.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, quy định này dựa trên nhu cầu tuyển dụng giáo viên tiểu học trình độ trung cấp chuyên nghiệp của nhiều địa phương đã báo cáo về Bộ và thực tế tuyển sinh, mở ngành sư phạm tiểu học trình độ trung cấp chuyên nghiệp hiện nay.
Trước đó, trong tháng 7/2013, Bộ cũng đã có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục tạm dừng xem xét hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo mới thuộc khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên ở trình độ đại học, cao đẳng.
Việc dừng mở ngành mới nhằm phục vụ việc rà soát, thống kê và quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước. Hiện nay, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cả nước còn thiếu khoảng 27.000 giáo viên nhưng các địa phương lại cho biết hầu hết các nơi đều thừa. Học sinh, sinh viên ngành sư phạm ra trường không tìm được việc.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết ba năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, Bộ đã chính thức thừa nhận việc đào tạo sư phạm hiện nay là thừa so với nhu cầu và cần quy hoạch lại./.
Phạm Mai (Vietnam+)
http://www.vietnamplus.vn/Home/Phai-cam-ket-dau-ra-neu-mo-nganh-su-pham-tieu-hoc/20139/217708.vnplus