“Đối với người họa sỹ, mất đi đôi mắt là mất đi tất cả. Nhiều lúc tôi đã nghĩ đến cái chết nhưng rồi nhờ gặp Đại tướng, tôi đã tìm lại được sức sống cho mình”, họa sỹ Lê Duy Ứng đã chia sẻ như vậy khi vừa trao tặng bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Họa sỹ Lê Duy Ứng trao tặng bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: VGP/Thành Chung
Ngược dòng lịch sử về buổi sáng ngày 28/4/1975, Thiếu úy Lê Duy Ứng trong đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn trên chiếc xe tăng 847 thuộc Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 với nhiệm vụ chụp ảnh và ký hoạ về chiến trường.
Khi đang đứng trên xe tăng chiến đấu tại khu căn cứ Nước Trong, cách Sài Gòn 30 km thì chiếc xe tăng 847 bị trúng đạn. Lê Duy Ứng chỉ kịp nhìn thấy những ánh chớp ngoằn nghèo và bị hất tung ra khỏi thành xe. Mấy giây sau tỉnh lại, ông không nhìn thấy gì ngoài một màu tối đen, và máu đang chảy ròng ròng từ hai hố mắt, một bên đã hỏng hẳn.
Trong giây phút mong manh giữa sự sống và cái chết nơi chiến trường chát chúa tiếng bom rơi, đạn nổ, Lê Duy Ứng chợt nghĩ đến Bác Hồ. Ông đưa tay quờ quạng xung quanh và chạm phải tập giấy vẽ mà ông vẫn luôn mang theo bên mình những lúc ra chiến trường. Ông quyết định sẽ vẽ Bác bằng tất cả những gì trong trí nhớ và sự tưởng tượng của mình cùng bầu nhiệt huyết đang cuộn chảy. Dùng ngón tay làm bút, lấy máu nơi mắt làm mực, ông dùng tất cả sức lực còn lại của mình để vẽ hình Bác và phía sau là lá cờ Tổ quốc đỏ thắm…
Cuộc gặp định mệnh
Đồng đội tìm thấy ông nằm ngất lịm cùng bức vẽ lịch sử, họa sỹ Lê Duy Ứng được chuyển đi điều trị tại Quân y viện ở Nha Trang. Sau đó ông được chuyển ra Bệnh viện Quân đội 108 điều trị nhưng y học lúc đó không thể cứu được đôi mắt của ông. Khi bác sỹ báo cho ông sự thật về đôi mắt không còn phương cứu chữa, đã mấy lần ông có ý định tự tử vì một hoạ sỹ sẽ chẳng làm được điều gì nếu thiếu đôi mắt.
Giữa những ngày sống trong đáy sâu của sự thất vọng, những người bạn vẫn động viên ông vẽ, rồi mang đất sét từ Bát Tràng về cho ông bắt đầu thử nghiệm công việc mới là nặn tượng và điêu khắc. Ông Ứng kể, có lần đang nặn tượng bỗng có tiếng lao xao người đến thăm, chưa kịp hỏi đoàn khách nào ông bỗng nghe một tiếng nói đồng hương Quảng Bình trìu mến: “Đồng chí có đôi tay rất nhạy cảm”. Quờ bàn tay còn dính đầy đất sét ông Ứng hỏi “Ai đấy?” thì xung quanh mọi người bảo: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm đồng chí đấy”…
Ông Ứng kể lúc đó xúc động lắm, chẳng nói được gì nhiều. Ngay cả khi Đại tướng hỏi: “Đồng chí có biết Beethoven sáng tác những tác phẩm bất hủ trong giai đoạn nào không?”, ông Ứng cũng lúng túng không biết nói sao, thì Đại tướng Giáp cười vỗ vai ông Ứng và nói: “Beethoven sáng tác những bản nhạc hay nhất khi ông ấy bị điếc hai tai. Cũng giống như họa sỹ cần đường nét, màu sắc, ánh sáng mà không nhìn thấy thì đồng chí hãy lấy tấm gương đó mà phấn đấu, rèn luyện để làm ra những tác phẩm bất hủ cho đời!”
“Những lời của Đại tướng lúc đó như thấm vào gan ruột, trí óc, là đòn bẩy cho tâm hồn tôi tươi trẻ và khao khát sống, sáng tạo hơn bao giờ hết”, họa sỹ Lê Duy Ứng rưng rưng nói.
Miệt mài tiếp tục sáng tác, và sau nhiều lần chạy chữa trong và ngoài nước, một bên mắt ông lúc mờ lúc tỏ nhưng ý chí thì đã kiên định, sáng rõ khi nghe những lời động viên của người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Truyền thêm sức sống
Không chỉ đến thăm và động viên họa sỹ Lê Duy Ứng lần đó mà sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường xuyên thăm hỏi động viên người họa sỹ tài hoa này.
Họa sỹ kể: “Sau này tôi vẫn thường đến thăm nhà ông, nhiều khi ông cũng coi tôi như anh Nho (Ông Võ Thuần Nho, em trai Đại tướng). Đến nhà ông hay dắt dạo quanh vườn cây, nói chuyện thế sự, chuyện chiến trường năm xưa. Có lần thấy tôi cứ húng hắng ho, ông bảo “Ứng bị hen suyễn à? Bệnh này phải chuyển vào Nam sống mới đỡ”…
Sau này, tiếc đôi mắt người họa sỹ, Đại tướng vẫn thường để ý về thông tin y tế xem có cơ hội nào chữa khỏi đôi mắt cho ông Ứng. Theo họa sỹ Lê Duy Ứng kể, nhiều lần trong các cuộc tiếp khách là nguyên thủ những nước châu Âu, Đại tướng đều nói về trường hợp người họa sỹ bị thương đôi mắt như vậy, nếu y học tiến bộ của các nước bạn có thể can thiệp cứu chữa thì giúp ông Ứng.
Sau này, khi ông Ứng tìm được nơi chữa mắt, Đại tướng biết gia đình ông đang khó khăn cho chi phí cuối cùng là tiền vé máy bay để hai vợ chồng ông sang Mỹ, Đại tướng liền viết thư tay đề nghị ngành Hàng không hỗ trợ (miễn phí) vé cho vợ chồng người họa sỹ này.
Sự quan tâm, chăm sóc của Đại tướng đến một người lính, một người họa sỹ đã giúp con người ấy ở đáy sâu của thất vọng có được nguồn sống trở lại. Không những thế, nhựa sống tinh thần được truyền đến người lính Lê Duy Ứng đã có tác dụng mạnh mẽ khiến ông sống hết mình, cống hiến cho cuộc đời những tác phẩm giá trị.
Bản thân họa sỹ Lê Duy Ứng cũng trở thành nguồn cảm hứng của nhiều nghệ sỹ khác. Điển hình như năm 1984, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã viết vở “Nguồn sáng trong đời” và đoạt HCV Liên hoan sân khấu toàn quốc với nguyên mẫu là ông Lê Duy Ứng.
Họa sỹ Lê Duy Ứng không thống kê nổi mình đã có bao nhiêu tác phẩm về vị tướng tài của dân tộc nhưng ông tâm đắc với một câu thơ ông đã đề tựa tặng Đại tướng trong một bức họa:
“Văn là anh, Võ là anh
Anh là dũng tướng lừng danh muôn đời
Như đại thụ giữa đất trời
Ngát xanh thẳng đứng giữa trời thiên xuân”.
Chia tay chúng tôi, họa sỹ trầm ngâm: “Ban đầu tôi có viết câu cuối là “Ngát xanh thẳng đứng giữa trời thiên thu” nhưng ai cũng bảo “thiên thu” nghe tang tóc quá nên tôi đổi thành “thiên xuân”. Bởi, trong tim mỗi người dân đất Việt “anh Văn” sẽ sống mãi thiên xuân, cũng như với người họa sỹ, khi trái tim đã khắc sâu hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì bất kể nơi đâu, bất kể khi nào ông vẫn tái hiện được chân dung vị tướng lừng lẫy của dân tộc.
Theo Chinhphu.vn