Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) trong Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 2013 công bố tại Hà Nội.
Ảnh minh họa.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
[video]/upload/2013/Audio/RADIOVIETNAM/THANG-12/12.03VietNamDangTiepTucXUHuong.mp3[/video]
Năm 2013 kinh tế Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ “bắt đáy” do chịu tác động của cuộc khủng hoảng muộn
Báo cáo nhận định, mặc dù tình hình kinh tế thế giới đang tiếp tục có xu hướng biến động tiêu cực, trong đó điển hình là những bế tắc trong chính sách tài khóa kéo dài tại Mỹ, khủng hoảng nợ công ở Châu Âu…, nhưng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những bước cải thiện.
Bên cạnh tỉ trọng xuất khẩu tăng, các khoản nợ tín dụng, giá lương thực có xu hướng giảm đã giúp Chính phủ kiểm soát được mức lạm phát trong giới hạn cho phép.
Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đồng thời là người đứng đầu nhóm tác giả của Báo cáo cho biết: “Kinh tế Việt Nam trong năm 2013 có những điểm sáng khả quan. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện, tăng trưởng GDP vẫn khá tốt. Nhiều nhà đầu tư dài hạn vẫn lạc quan và có thái độ khá chắc chắn về mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Một số nhà đầu tư lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc đánh giá cao nguồn nhân lực của Việt Nam như trình độ tay nghề, kỹ năng lao động… Đây là một trong những nguồn lực mà Việt Nam cần phải tiếp tục phát huy”.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn: Đó là niềm tin của khu vực tư nhân bị suy giảm, dư địa chính sách tài khóa bị thu hẹp, vấn đề cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng còn chậm chạp cũng như giảm sút sức cạnh tranh và năng suất lao động so với tiêu chuẩn chung của quốc tế.
Do đó, theo khuyến nghị của Ngân hàng thế giới, để tiếp tục xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế cũng như ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn, Chính phủ Việt Nam cần phải quan tâm tới 3 trụ cột chính: đó là thuận lợi hóa thương mại, năng lực cạnh tranh; chống tham nhũng và thu hẹp nghèo đói, bất bình đẳng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tiếp tục thực hiện cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, xây dựng đầy đủ khung pháp lý về tài chính phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế.
Theo Radio Việt Nam