Cập nhật: 11/12/2013 14:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đón năm mới, nhà nhà, người người hào hứng lau dọn sạch sẽ bàn thờ gia tiên, nhà cửa với ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” và chuẩn bị những trang phục đẹp nhất để diện ba ngày Tết. Các bà, các chị cố gắng gói gém công việc trong năm cũ để giao thừa trở đi là có thể rảnh rang quần là áo lượt, trang điểm chơi xuân.

Người Việt Nam, dù nam phụ, lão ấu, dịp này đều muốn mặc những bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất. Nếu trong chuyện ăn, dân ta quan niệm “đói quanh năm, no ba ngày Tết”, thì trong chuyện mặc, người Việt cũng cố gắng chăm chút sao cho nổi bật hơn ngày thường. Vừa là để muôn hồng ngàn tía của vải vóc lụa là xua đi hết lo toan năm cũ, vừa để khởi đầu một năm mới nhiều may mắn cho mình và những người xung quanh. Không khí Tết cũng nhờ thế mà thiêng liêng, trang trọng hơn. 

Trong nhiều thế kỷ, người phụ nữ Bắc Bộ đã để dành đến Tết bộ áo tứ thân, dải yếm đào, khăn mỏ quạ cùng chiếc nón quai thao mới nhất, đẹp nhất. Trong quan niệm của người Việt, áo tứ thân với bốn thân áo tượng trưng cho bốn bậc sinh thành của hai vợ chồng. Nhưng trong ngày Tết, áo tứ thân được các thiếu nữ “biến hoá” thành 8 dải: trong cùng là hai dải yếm đào dài, rộng hơn gang tay, quấn vòng từ sau lưng ra quanh eo rồi thắt rẻ quạt trước bụng. Tiếp theo là hai dải ruột tượng bằng nhiễu mỏng màu mỡ gà, rồi đến thắt lưng màu thiên lý. Cuối cùng là hai vạt trước áo dài thẫm màu thắt chéo nhau để làm nổi bật thêm màu sắc của các dải kia. 

Tùy theo gia cảnh, áo tứ thân được may bằng các loại vải xuyến, lần là, the hoặc nhiễu, nhuộm màu trầm hay tươi tùy theo lứa tuổi. Đi cùng áo tứ thân, người phụ nữ nông thôn xưa thường mặc váy lĩnh cạp điều hoặc váy sồi. 

Đến những năm cuối của thế kỷ 20, mặc dù áo tứ thân không còn được sử dụng trong đời sống thường nhật, nhưng mỗi dịp lễ, Tết, trang phục này lại xuất hiện tươi tắn, tha thướt bên cạnh chiếc áo dài “quốc hồn quốc tuý”. 

Ngày xưa, áo dài của nam hay nữ đều được may kép và mặc thêm một áo dài lót màu trắng bên trong áo (nên thường gọi là áo mớ ba). Các bà, các mẹ mặc quần lĩnh đen với áo dài. Thiếu nữ chưa chồng mặc quần trắng may bằng lụa hay đoạn. Đàn ông Việt những ngày trọng đại này cũng ưa thích áo dài bằng vải lụa hay lương màu đen và luôn trung thành với quần lụa trắng. 

Khác với chiếc áo tứ thân chỉ được ưa chuộng ở các vùng đồng bằng Bắc bộ, vào những ngày xuân mới, chiếc áo dài tha thướt xuất hiện ở khắp mọi miền đất nước. Dù có nhiều cách tân, biến thể khác nhau qua mỗi thời kỳ, nhưng chiếc áo dài luôn được người Việt Nam coi là một nét xuân không thể thiếu. 

Có thời, cứ đến Tết, già trẻ, gái trai đều muốn sắm một bộ áo dài, khăn đóng in chữ Hỷ. Chất liệu lụa bóng với các màu tươi tắn, rực rỡ như xanh, vàng, đỏ, tím, khiến không khí ngày xuân càng thêm nồng nàn, tươi tốt. Trang phục này dường như là sự kết hợp hoàn hảo giữa gu thẩm mỹ của người Việt trong chiếc áo dài với quan niệm về âm dương ngũ hành xuất phát từ văn hoá Trung Hoa. Bốn màu xanh, đỏ, tím và vàng là biểu tượng cho bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Chữ Hỷ in trên áo là thể hiện rõ ràng nhất ước mơ của người Việt về một năm mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc. 

Dù là áo dài hay áo tứ thân, người Việt Nam luôn lựa chọn những sắc màu rực rỡ nhất, tươi tắn nhất để mặc ngày Tết, tránh màu đen, trắng, thể hiện điềm tang tóc. Bởi vậy, ấn tượng của người Việt dù xa quê lâu đến mấy, cứ nghĩ tới Tết là mường tượng ra cả một trời trăm hồng ngàn tía của hoa lá, của lụa là và của mặt người tươi nhuận…

Giờ đây, nhịp sống của cuộc sống hiện đại cùng với sự du nhập của vô số phong cách thời trang thế giới đã dần đẩy lùi những trang phục truyền thống vào quá khứ. Áo dài, khăn đóng, áo tứ thân… đa phần chỉ còn xuất hiện trong những chương trình biểu diễn nghệ thuật. Không ít thiếu nữ 8x, 9x ngày nay chưa từng một lần thử mặc áo dài, mặc dù chiếc áo này đã được cách tân nhiều, nhiều đến mức nhìn… “sexy” hơn vô số loại trang phục khác ít vải hơn. 

Tết này ra đường, bạn có thể bắt gặp những người trẻ mặc quần legging và tất dài đủ màu hợp mốt, áo khoác lông ngắn hoặc áo choàng dài kiểu Hàn Quốc, “mini juyp” với bốt cao hoặc đủ kiểu váy ngắn, váy dài… Sẽ chỉ còn một số bác gái trung niên hoặc các cụ già mặc những chiếc áo dài nhung đính cườm sang trọng còn vương mùi băng phiến để đến chùa cầu may đầu năm, hiếm hoi lắm mới thấy những cô gái mặc áo dài. Đi “tháp tùng” họ sẽ là người chồng hoặc con trai bận những bộ vest theo phong cách châu Âu thay cho áo the khăn xếp, ô đen… 

Vẫn biết “thời phải thế”, sự thay đổi là quy luật… Nhưng mỗi năm chỉ ba ngày Tết, là khoảng lặng giữa 365 ngày quay cuồng với mưu sinh, hoà nhập và hướng ngoại, thì cũng tốt đẹp lắm chứ nếu những ngày xuân mới, chúng ta hướng về tổ tiên, cội nguồn, khơi lại và gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc, bắt đầu từ việc mặc gì… 

Chúng ta đều cảm thấy tự hào khi ngắm nhìn các vị nguyên thủ từ nhiều quốc gia trên thế giới mặc áo the, khăn đóng khi tham dự Hội nghị APEC. Trong nhiều cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ quốc tế, hầu hết người đẹp của Việt Namlựa chọn áo dài. Nhiều du học sinh Việt Nam khi đi du học mang theo bộ trang phục duyên dáng này của quê hương, chờ dịp khoe với bạn bè quốc tế… Đó là sự tôn vinh, trân trọng và là lời hứa hẹn với tương lai của người Việt trẻ trước những di sản quý giá cha ông để lại. 

Theo baodatviet.vn

Tệp đính kèm