Tục đi chợ ăn quà ngày cuối năm của người dân xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) tự lúc nào đã trở thành một nét văn hóa đẹp.
Phiên chợ cuối năm tấp nập người mua kẻ bán
Độc đáo chợ phiên
Chợ Sa là chợ phiên với chu kỳ 5 ngày họp 1 lần. Phiên chợ được họp ngay trên cầu Ngòi, thuộc địa phận xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) vào các ngày mùng 1, 6, 11 và 16 hàng tháng. Phiên chợ nào cũng rất đông, thu hút người dân ở các vùng lân cận đổ về trao đổi hàng hóa.
Đặc biệt là phiên chợ ngày 26 tháng Chạp âm lịch tấp nập người mua kẻ bán, phục vụ hàng hóa cho dịp tết Nguyên Đán.
Ngoài hàng hóa từ các vùng đổ về, nét độc đáo của chợ Sa chính là những sản vật do người dân trong vùng sản xuất được, đem ra chợ trao đổi. Đó là những rau, củ, quả, gạo nếp, đỗ xanh, gà, lợn… mang đặc trưng của phiên chợ quê.
Vào phiên chợ cuối cùng của năm, người bán người mua họp từ rất sớm. Trong dòng người đông đúc chen nhau, những tiếng hỏi giá cả, tiếng mặc cả bớt một thêm hai, tiếng mời chào của người bán… làm cho phiên chợ thêm nhộn nhịp.
Nơi đông đúc nhất trong phiên chợ ngày Tết là những gian hàng ăn. Hầu hết là trẻ em được cha mẹ dẫn đi theo. Những món điểm tâm rất giản dị như bánh rán, bánh dày, bỏng ngô… do người dân nơi đây làm ra, mang một ý nghĩa khác biệt trong những ngày cuối năm.
Đi chợ để… “ăn quà”
Một điều đặc biệt của phiên chợ Sa ngày cuối năm đã trở thành phong tục, một nét riêng trong văn hóa của người dân nơi đây, đó là “tục ăn quà”.
Theo lời kể của cụ Đào Duy Thuấn, 86 tuổi, nguyên Cán Bộ Văn hóa xã Cổ Loa, không biết từ bao giờ, tục đi chợ ăn quà ngày cuối năm của người dân trong vùng đã trở thành một nét văn hóa.
Các cụ ngày xưa truyền lại cho con cháu trong kinh thành (thành Cổ Loa) rằng, phiên chợ cuối năm là dịp cha mẹ cho con đi sắm Tết, đi chơi chợ và cho con được ăn những gì con thích. Cứ như thế, từ đời này sang đời khác, nó trở thành phong tục của người dân Cổ Loa.
"Tục ăn quà" trở thành nét độc đáo trong phiên chợ cuối năm của người dân Cổ Loa
Trong phiên chợ cuối năm, trẻ em được cha mẹ đưa đi theo để mua sắm quần áo mới. Trên tay những đứa trẻ là những món quà năm mới cha mẹ mua cho. Khuôn mặt rạng ngời, phấn chấn cùng cha mẹ đi sắm tết mà không hề than vãn, không thấy mệt.
Chị Hoàng Thu – xã Cổ Loa chia sẻ: “Hôm nay được nghỉ làm, tôi cho 2 con đi chợ sắm tết. Đến chợ, chúng đòi vào hàng cháo đầu tiên. Ăn xong còn mua quà mang về nữa. Phiên chợ cuối năm, tôi muốn cho con được đi chơi, sắm Tết, cho con ăn những gì chúng muốn”.
Cụ Đào Thị Hợi - người bán bánh rán ở chợ cho biết, số bánh mà cụ phải chuẩn bị nhiều gấp đôi so với những ngày thường. Bánh rán là thứ quà hết sức dung dị, đậm chất thôn quê, nhưng nó lại là lựa chọn của nhiều em nhỏ. Nhìn những cô bé, cậu bé cầm trên tay chiếc bánh, ngấu nghiến nhai ngon lành khiến người đi ngang cũng phải thòm thèm.
Đối với những đứa trẻ, được cùng cha mẹ đi chợ sắm tết, được “ăn quà” là điều vô cùng hạnh phúc, điều khiến chúng thích thú nhất. Chừng ấy thôi, đơn giản đời thường nhưng trong tâm thức của người dân nơi đây, nó trở thành nét văn hóa đẹp trong phiên chợ những ngày cuối năm./.
Theo CTV Mai Quế/VOV.VN