Tăng mức tín dụng cho công trình nước sạch nông thôn; từ 1/5, hộ nghèo được vay tối đa 50 triệu đồng; phải trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc; quy định mới trong thi tốt nghiệp Trung học phổ thông;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2014.
Ảnh minh họa
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2014:
Tăng mức tín dụng cho công trình nước sạch nông thôn
Theo Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các hộ gia đình ở nông thôn có nhu cầu xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường có thể vay tới 6 triệu đồng/hộ, cho mỗi loại công trình tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/5/2014.
Phải trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2014, trong đó quy định về BHXH, BHYT đối với người giúp việc gia đình. Cụ thể, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm.
Trường hợp người lao động sống cùng gia đình người sử dụng lao động bị ốm, bị bệnh, người sử dụng lao động tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, khám, chữa bệnh. Chi phí khám, chữa bệnh do người lao động chi trả, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác.
Người sử dụng lao động không phải trả lương cho những ngày người lao động phải nghỉ việc do bị ốm, bị bệnh.
Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh
Theo Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở) có hiệu lực từ ngày 20/5/2014, Sở là cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Cơ cấu tổ chức của Sở thuộc UBND cấp tỉnh gồm có: Văn phòng; thanh tra; phòng chuyên môn, nghiệp vụ; chi cục; đơn vị sự nghiệp công lập. Các Sở không nhất thiết phải có cơ quan thanh tra, chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng Văn phòng UBND cấp tỉnh có Cổng Thông tin điện tử.
Nghị định quy định 17 sở được tổ chức thống nhất ở các địa phương. Bên cạnh đó còn có các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương như Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Ngoài 3 sở đặc thù trên, Nghị định 24/2014/NĐ-CP cũng bổ sung quy định: Cơ quan chuyên môn đặc thù khác chỉ được tổ chức khi thật cần thiết, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương.
Tạo điều kiện thuận lợi cho phổ cấp giáo dục, xóa mù chữ
Theo Nghị định 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ có hiệu lực từ ngày 15/5/2014, Nhà nước ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Nhà nước cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào việc thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập khi tham gia các chương trình phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo quy định.
3 trường hợp bị đình chỉ, chấm dứt hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản, trong đó quy định điều kiện hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân đình chỉ việc xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử để chấn chỉnh hoặc khắc phục nguyên nhân trong 3 trường hợp.
Thứ nhất, không duy trì đủ các điều kiện hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử trong quá trình hoạt động.
Thứ hai, không thực hiện đúng quy định về trách nhiệm của nhà xuất bản và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Thứ ba, không chấp hành các biện pháp quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
Trường hợp nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân phát hành xuất bản phẩm điện tử không chấn chỉnh hoặc không khắc phục đối với trường hợp quy định nêu trên thì phải chấm dứt hoạt động theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/5/2014.
Tăng cường phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Theo Nghị định quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao có hiệu lực từ ngày 22/5/2014, để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được đẩy mạnh; trong đó tăng cường đối với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet, viễn thông; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử...
Bên cạnh đó, cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính về an ninh, trật tự thông qua hoạt động của mình có trách nhiệm chủ động phát hiện kịp thời nguyên nhân, điều kiện, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao và có biện pháp xử lý phù hợp…
Áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng vào cơ quan hành chính nhà nước
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước có hiệu lực từ ngày 18/5/2014.
Theo đó, các cơ quan phải xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng gồm: Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (Bộ, ngành); UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Khuyến khích các cơ quan, đơn vị sau xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng: Cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài; Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; UBND xã, phường, thị trấn; đơn vị sự nghiệp công lập.
Quyết định nêu rõ, phải xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng đối với các hoạt động liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, bảo đảm sự tham gia của Lãnh đạo, các đơn vị và cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước trong quá trình xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng.
Quy định mới trong thi tốt nghiệp Trung học phổ thông
Theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông gồm 4 môn; trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ.
Thời gian làm bài đối với mỗi môn thi Toán và Ngữ văn là 120 phút; Lịch sử và Địa lí là 90 phút; Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ là 60 phút.
Về cách tính điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) và điểm xếp loại tốt nghiệp (ĐXL), thay vì chỉ căn cứ vào điểm các bài thi thì theo Thông tư mới, sẽ kết hợp kết quả thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 để tính điểm xét tốt nghiệp, điểm xếp loại tốt nghiệp.
Cụ thể, điểm xét tốt nghiệp được tính là: Tổng điểm 4 bài thi cộng tổng điểm khuyến khích (nếu có) chia cho 4, sau đó cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 và chia 2.
Điểm xếp loại tốt nghiệp được tính là: Điểm trung bình 4 bài thi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 và chia 2.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/5/2014.
Từ 1/5, hộ nghèo được vay tối đa 50 triệu đồng
Theo Quyết định số 34/QĐ-HĐQT của Ngân hàng Chính sách xã hội, nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững lên 50 triệu đồng/hộ vay.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2014.
Quy định mức phí thẩm định an toàn đối với cây biến đổi gen
Theo Thông tư 36/2014/TT-BTC quy định mức thu và sử dụng phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen, mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen là 70.000.000 đồng/1 lần thẩm định.Thời hạn nộp phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học chậm nhất sau 5 ngày kể từ khi nhận được thông báo bằng văn bản của cơ quan tiếp nhận hồ sơ chấp nhận hồ sơ đăng ký là hợp lệ.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2014.
Theo Hoàng Diên/Chinhphu.vn