Cập nhật: 23/05/2014 14:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hai điểm bưu điện văn hóa xã tại Trường Sa đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo thân yêu.

Viết thư ở Trường Sa: Thời cơ “cả đời có một”

“Hôm nay tại đảo Sinh Tồn, nơi anh đang công tác, khai trương điểm bưu điện văn hóa xã. Anh muốn gửi gắm tình cảm từ đảo xa trong bức thư tay đầu tiên này cho em và các con…”. Đây là những dòng mở đầu trong lá thư viết tay mà Thiếu tá Trịnh Công Lý, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn (thuộc huyện đảo Trường Sa – Khánh Hòa) gửi cho vợ và con ở thành phố Cam Ranh, nhân dịp khai trương điểm bưu điện văn hóa tại đảo Sinh Tồn vào cuối tháng 4 vừa qua. Thiếu tá Trịnh Công Lý cũng là người đầu tiên trong số những cán bộ, chiến sỹ đang công tác ở đảo “mở hàng” cho thùng thư đặt tại điểm bưu điện đặc biệt này.

 

Đông đảo thành viên trong đoàn công tác tới đảo Sinh Tồn viết thư gửi về đất liền

Thiếu tá Trịnh Công Lý nói rằng, đã 20 năm rồi anh mới viết thư tay. Trước đây, anh chỉ quen liên lạc về với gia đình, người thân qua sóng điện thoại. Thế nên, hôm nay khi cầm bút viết thư về cho vợ con từ đảo xa, anh lại thấy bồi hồi, xao xuyến, tay run run vì xúc động.

Anh Lý cho biết: “Trước khi có điểm bưu điện văn hóa xã, cán bộ, chiến sỹ và người dân đảo Sinh Tồn thường gửi thư, bưu phẩm qua các đoàn công tác ra đảo, tuy nhiên không được nhiều. Thậm chí có những lá thư, món quà tới tay người nhận phải mất nhiều tháng. Nay có bưu điện thì thời gian gửi và nhận thư sẽ ngắn hơn, việc kết nối yêu thương sẽ sâu nặng, đậm đà hơn. Tôi vẫn thường nói với bộ đội trên đảo rằng, tình cảm qua điện thoại thì lời nói gió bay. Những tình cảm trong thư viết tay mới trường tồn mãi mãi và là kỷ niệm thiêng liêng ở đảo gửi về cho đất liền”.

Điều đặc biệt, trong đoàn công tác với gần 200 thành viên từ đất liền ra Trường Sa đợt này, ai cũng háo hức, mong muốn “chớp thời cơ” hiếm hoi này để viết thư về cho người thân. Anh Phan Văn Long, công tác tại Vụ giáo dục – đào tạo và dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, mặc dù anh đã đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới, hàng ngày vẫn viết thư điện tử cho vợ con và bạn bè. Song khi được đặt chân tới Trường Sa, anh cảm thấy bồi hồi, xúc động với cảm xúc thiêng liêng trào dâng khi đứng bên bia chủ quyền, được hát Quốc ca dưới cờ Tổ quốc tung bay trong nắng vàng trên đảo.

 

Anh Long viết địa chỉ lên bì thư để gửi về cho con

Đêm trước tới Sinh Tồn, anh Long đã thao thức và viết lá thư dài gửi cho hai con của mình ở Hà Nội. Trong thư anh mô tả về biển đảo Trường Sa, về những đảo nổi, đảo chìm anh may mắn được đặt chân đến; về cuộc sống của những chiến sỹ, nhân dân trên đảo, tuy còn gian khó nhưng kiên gan và ấp áp nghĩa tình. “Có thể ai đó cho rằng đóng góp cho Tổ quốc là khá trừu tượng, nhưng khi ra đến Trường Sa, tôi thấy thực sự không có gì xa vời trong tư tưởng. Trong thư, tôi khuyên các con ngoài trách nhiệm phải học hành giỏi giang để khẳng định bản thân, các con phải sống cho xứng đáng với những gì mà nhiều chiến sỹ Trường Sa đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất nơi phên dậu Tổ quốc. Hy vọng một ngày nào đó, các con sẽ đóng góp được chút gì đó cho Trường Sa thân yêu, bảo vệ chủ quyền mà bao đời nay cha ông ta đã gìn giữ” – anh Long nói.

Anh Dương Văn Lễ, công tác tại Sở Thông tin – truyền thông Thái Bình cũng trong tâm trạng xúc động và tự hào của người con đất Việt lần đầu tiên được đặt chân lên Trường Sa. Anh Lễ cho biết, một điểm bưu điện văn hóa xã ở làng quê là rất bình thường, song ở xã đảo Sinh Tồn thì thực sự thiêng liêng và ý nghĩa. Trong cảm xúc trào dâng khi tới đảo, anh đã viết hai lá thư gửi về cho hai người bạn thân thiết của mình.

 

Một bạn trẻ viết thư từ thị trấn Trường Sa về cho mẹ

“Đã mấy chục năm rồi tôi mới viết thư tay. Từ trước tới nay, tôi chỉ biết Trường Sa qua sách vở, báo đài. Nay được đặt chân tới Trường Sa, tôi mới có cảm xúc thực sự và muốn viết ra bằng hết. Trong thư, tôi bày tỏ lòng tự hào của một người Việt Nam được tới thăm Trường Sa. Tôi không tô hồng, mà bày tỏ hết nỗi lòng mình từ Trường Sa gửi về cho bạn. Chắc chắn khi bạn tôi nhận được thư sẽ mong muốn có dịp ra Trường Sa, dù chỉ một lần”, anh Lễ kể.

Trường Sa – đất liền thêm gắn kết yêu thương

Nói về quá trình thành lập hai điểm bưu điện văn hóa xã ở Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa, ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết: “Hai điểm bưu điện văn hóa này thực chất chỉ là mở rộng thêm chứ không phải xây dựng mới. Từ năm 1985, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã thành lập bưu cục cấp 3 Trường Sa, số hiệu 654800 đặt tại bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa. Sau nhận được chỉ thị từ Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng tôi đã rốt ráo tiến hành ngay công tác chuẩn bị để khai trương hai điểm bưu điện văn hóa xã này. Chỉ trong vòng 2 tuần, chúng tôi đã chuẩn bị xong, kể cả trang phục cho nhân viên; đồng thời chuẩn hóa các công cụ, dụng cụ cho cung cấp dịch vụ như truy cập Internet, bưu chính chuyển phát, các quy trình và ứng dụng công nghệ thông tin”.

 

Lá thư của chị Diễm Thúy, Ban Tuyên giáo tỉnh Hậu Giang gửi về cho em gái của mình

 

Từ Trường Sa, anh Nguyễn Trọng Hoài Đức, công tác tại Thành đoàn Hà Nội, viết rất nhiều thư về cho người thân

Ông Vinh khẳng định, nhân dân ở vùng biển đảo rất khó khăn trong việc đi lại, kết nối với đất liền. Cho nên khi được sử dụng dịch vụ này, khoảng cách giữa Trường Sa với đất liền sẽ thêm gần gũi. Những tâm tư, tình cảm, nhu cầu trao đổi thư từ, bưu phẩm, bưu kiện và kết nối Internet sẽ giúp cho đồng bào thấy đất liền đang ở bên, không có sự xa cách với bà con và bạn bè thân thiết.

“Tới đây, cùng với sự phát triển và củng cố lại toàn bộ hệ thống cung cấp các dịch vụ theo chủ trương chung, hy vọng số lượng người dân cũng như nhu cầu gia tăng, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng tới các đảo lân cận khác, để làm sao mọi người dân ở các đảo đều có cơ hội sử dụng dịch vụ công ích do Nhà nước cung cấp” – ông Vinh nói.

 

Anh Minh làm việc tại điểm bưu điện văn hóa thị trấn Trường Sa

Ngày đầu tiên được làm việc trên cương vị cán bộ bưu điện văn hóa xã tại thị trấn Trường Sa, anh Đỗ Huy Minh cho biết, chỉ trong khoảng một tiếng của buổi sáng đầu tiên, anh đã thực hiện giao dịch khoảng 300 – 400 lá thư từ thị trấn Trường Sa gửi về đất liền, tất cả các phong bì in bia chủ quyền Trường Sa đã hết veo.

Anh Minh chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui, tự hào và vinh dự được là nhân viên đầu tiên tại điểm giao dịch, được đóng góp một phần công sức nhỏ bé để đưa những cánh thư từ đảo xa về với đất liền. Những tình cảm trong thư đã thể hiện sự gắn kết yêu thương của những người nơi đảo xa với người thân. Từ đó, mọi người sẽ không cảm thấy khoảng cách giữa Trường Sa xa xôi nữa”.

Việc mở rộng hai điểm bưu điện văn hóa xã tại đảo Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa, dấu bưu cục đến và đi từ hai điểm bưu điện này được đóng dấu có tên của hai địa danh nói trên. Đây cũng là điều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng quần đảo thân yêu của Tổ quốc và khẳng định cuộc sống tại các đảo những năm qua luôn được đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo đời sống quân dân trên đảo tương tự như trên đất liền./.

Ngày 23 và 25/4, hai điểm bưu điện văn hóa xã tại xã đảo Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã được cắt băng khai trương. Các điểm bưu điện văn hóa này được cấp số hiệu theo mã địa chỉ quốc gia, được Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam trang bị cơ sở vật chất để cung cấp dịch vụ theo quy định về hoạt động điểm bưu điện văn hóa xã của Bộ Thông tin Truyền thông.

Cả hai điểm bưu điện này đều có chức năng cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích, bưu phẩm, bưu kiện; tổ chức hoạt động đọc sách báo miễn phí; cung cấp dịch vụ internet thông qua kết nối đường truyền với Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel, các dịch vụ khác theo quy định…

Lại Thìn/VOV.VN

Tệp đính kèm