Cập nhật: 08/06/2014 16:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sáng ngày 8/6, tại Thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, Bộ giao thông vận tải đã tổ chức lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C vượt sông Hồng nối thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội với huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tới dự buổi lễ về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính Phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội; đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ xây dựng; đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; lãnh đạo Bộ chiến lược tài chính Hàn Quốc và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.

Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Phạm Văn Vọng, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phùng Quang Hùng, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thế Trường, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh.

Cầu Vĩnh Thịnh có chiều dài là hơn 5,4km, trong đó cầu dài 4,4km, đường dẫn hai đầu cầu dài 1km. Điểm đầu tuyến cầu Vĩnh Thịnh tại nút giao Quốc lộ 32 thị xã Sơn Tây thành phố Hà Nội, điểm cuối tuyến tại Km9 + 800m vượt qua Sông Hồng kết nối với Quốc lộ 2C thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án có tổng mức đầu tư là 137 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc là 100 triệu USD. Cầu Vĩnh Thịnh được thiết kế bằng bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu, là cầu vượt sông có chiều dài lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Công trình được khởi công từ năm 2011 với thời gian hoàn thành trong 36 tháng. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của chủ đầu tư, các nhà thầu và phía Hàn Quốc, dự án cầu Vĩnh Thịnh đã hoàn thành vượt tiến độ gần 7 tháng so với kế hoạch. Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Vĩnh Thịnh đã góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng nêu rõ: trong suốt thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực cùng với chủ đầu tư, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cầu Vĩnh Thịnh và cam kết Vĩnh Phúc sẽ phát huy hiệu quả sau khi cầu Vĩnh Thịnh đưa vào khai thác sử dụng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự vui mừng khi cây cầu bắc qua Sông Hồng là niềm mơ ước của nhân dân sống ở 2 bờ sông Hồng tỉnh Vĩnh Phúc và thị xã Sơn Tây thành phố Hà Nội qua bao đời nay đã trở thành hiện thực. Đây không chỉ là cây cầu đường bộ dài nhất bắc qua Sông Hồng mà còn là cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam cho tới thời điểm này. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội và đội ngũ công nhân, kỹ sư trên công trường đã có nhiều cố gắng, quyết tâm cao, đưa công trình hoàn thành vượt trước thời hạn theo kế hoạch. Thay mặt Chính Phủ Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cám ơn Chính Phủ, nhân dân Hàn Quốc đã giúp đỡ, tài trợ cho dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh.

Khi được đưa vào sử dụng, cầu Vĩnh Thịnh sẽ kết nối 2 trục hướng tâm Quốc lộ 32 và Quốc lộ 2, các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang; đồng thời góp phần giảm áp lực giao thông cho các trục đường hướng tâm như Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32 khi lưu thông qua trung tâm thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía nam và ngược lại./.

                                     Lỗ Hiếu – Đào Hiếu

 

Tệp đính kèm