Trong cuộc đời làm báo, nhiều người mong muốn một lần được ra quần đảo Hoàng Sa. Ðược chứng kiến lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân ta làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc giữa muôn vàn sóng gió là một kỷ niệm đáng nhớ, không thể nào quên.
Tác giả Trần Quyết tác nghiệp trên tàu Kiểm ngư 952 (Chi cục Kiểm ngư số 3) ở vùng biển Hoàng Sa.
Những bữa cơm "quốc tế"
Lần đầu trong đời, tôi được chứng kiến có nhiều nhà báo ra công tác tại Hoàng Sa đến thế; ngoài 18 cán bộ, phóng viên đại diện các cơ quan báo chí trong nước, còn có chín nhà báo nước ngoài của Ðài Truyền hình CNBC (Mỹ), Báo Le Monde, Ðài Phát thanh Quốc gia (Pháp), Ðài Truyền hình TP Tô-ki-ô (Nhật Bản) và Hãng Thông tấn (Xin-ga-po)... Ðến Hoàng Sa đúng thời điểm áp thấp nhiệt đới, biển động, tàu chòng chành, chao đảo, nhiều lúc nước tràn lên cả boong. Trong số các "nhà báo tây", "nhà báo ta", nhiều người say sóng nặng, người thì nằm lăn ra giường, người thì ngồi bệt xuống sàn tàu, đầu tóc phờ phạc.
Bữa cơm chiều trên tàu, được anh em cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn cách ăn theo kiểu "ngồi xe ôm", hai chân dạng ra hai bên ghế băng, mặt ngoảnh vào mâm, vừa ăn vừa thay nhau tay giữ chặt nồi cơm, xoong canh..., đề phòng tàu lắc, nghiêng ngả sẽ hất tung thức ăn. Nhà báo Rô-bớt Ma-thiêu Mắc Brai-đơ, quốc tịch Anh, phóng viên Ðài Quốc tế tiếng Anh (Ca-ta), vừa vào phòng ăn, tàu nghiêng và lắc mạnh làm cả xoong canh rau cải hắt vào người, "nhà báo tây" nở nụ cười, "xì xồ" mấy câu, rồi cùng mọi người lấy khăn lau bàn, ghế. Các nhà báo nước ngoài, có lẽ do quen ăn bánh mì, thịt nướng bằng dao, dĩa, lên tàu ăn cơm bằng đũa, gắp thức ăn ngộ nghĩnh như trẻ con, lạ mà lại thương. Những nhà báo say sóng, nhìn thấy cảnh tượng ăn cơm như thế, đành quay về phòng uống sữa "cô gái Hà Lan", hoặc nhai lương khô "cầm hơi"...
Làm báo nơi đầu sóng
Sau hơn 18 giờ lênh đênh trên biển, từ Ðà Nẵng vượt gần 180 hải lý, đến trưa hôm sau, tàu CSB 2016 đến khu vực cách giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép 23 hải lý, chúng tôi nhận được thông báo: "Phía trước, bên phải cách tàu một hải lý, có một tàu hải cảnh và giàn tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc". Ðang say sóng, người mệt mỏi, đầu óc choáng váng, nhưng khi nghe thông báo nhiều người tỉnh ngay, chạy ùa lên ca-bin, boong tàu để quay phim, chụp ảnh.
"Chuyến đi tuy khó khăn vất vả, song rất quan trọng, nó giúp tôi hiểu và thông tin cho người dân Ô-xtrây-li-a biết tình hình đang diễn ra tại vùng biển này. Nước Ô-xtrây-li-a có nhiều bạn hàng thường xuyên có tàu qua lại vùng biển nơi đây, cho nên người dân Ô-xtrây-li-a cũng như nhiều nước khác luôn quan tâm diễn biến tình hình trên Biển Ðông...", phóng viên nữ Hô-lay San-man-tha, Ðài Truyền hình ABC (Ô-xtrây-li-a), tâm sự.
Buổi tối, bên ấm chè "dã chiến" trên sàn tàu, trò chuyện cùng anh Võ Trung Dung, người gốc Việt phóng viên Ðài Tiếng Pháp Quốc tế (TV5) thì được biết, anh Dung vừa ở bên Pháp sang để kịp chuyến đi này. Hiện, anh là phóng viên tự do, hợp đồng làm phóng viên TV5 - Ðài Tiếng Pháp Quốc tế, đồng thời cũng là cộng tác viên của Báo Tuổi trẻ ở châu Âu và HTV 9 Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh gần 10 năm nay.
"Vì sao là phóng viên Ðài Tiếng Pháp Quốc tế (Pháp), anh lại đăng ký ra Hoàng Sa công tác cho vất vả?". - Tôi hỏi. Anh Dung chia sẻ: "Làm báo phải đam mê, sống bằng nghề. Mình là phóng viên nước ngoài, nhưng lại là người Việt Nam. Ðược tin Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 lên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, tôi đã đến Ðại sứ quán Việt Nam tại Pháp đề đạt nguyện vọng được về Việt Nam, được ra Hoàng Sa tìm hiểu. Với tư cách là một nhà báo phản ánh trung thực, khách quan sự việc, tôi sẽ góp phần nhỏ bé của mình để thông tin với bạn đọc, bạn nghe đài ở Pháp, các nước trong cộng đồng Pháp ngữ và các quốc gia trên thế giới biết chuyện gì đang xảy ra trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam...
"Hoa hậu" duy nhất trên tàu là My Lăng, nữ phóng viên Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh. Mặc dù bị say sóng, vật vờ suốt cả chặng đường, nhưng khi đến khu vực biển Hoàng Sa, buổi tối cô vẫn tranh thủ viết tin, bài đọc qua điện thoại truyền tín hiệu vệ tinh về cơ quan để đăng tin, bài kịp thời ngày hôm sau.
"Từ đầu tháng 5 đến nay, đây là lần thứ hai em ra công tác tại Hoàng Sa. Chuyến đi trước, em viết hàng chục tin, bài tuyên truyền trên báo Tuổi trẻ... Vì đây là sự kiện được nhân dân trong và ngoài nước rất quan tâm, cho nên dù say sóng, việc đi lại, sinh hoạt trên tàu với nữ giới tuy vất vả, nhưng em vẫn xung phong ra Hoàng Sa để được tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở đây, không chỉ để thông tin với bạn đọc, mà còn giúp em có thêm kinh nghiệm trong cuộc đời làm báo...!", phóng viên My Lăng tâm sự.
Bên sóng biển ầm ào, giữa đại dương mênh mông, Ðại úy chuyên nghiệp Lê Mạnh Thường, cán bộ Phòng Chính trị Vùng Cảnh sát biển 1, kiêm phóng viên Bản tin - Trang thông tin điện tử đơn vị "khoe": "Chuyến trước đi tác nghiệp tại Hoàng Sa, em đã viết, gửi đăng được bốn bài và một phóng sự ảnh trên các báo, tạp chí. Bài viết về Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Hưng, pháo thủ tàu CSB 4033, quê ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), nhân vật trong bài viết luôn ám ảnh em về việc đặt lợi ích tập thể lên trên việc riêng tư gia đình của những người giữ biển. Chuyện là: Năm 2010, Hưng lấy vợ tên là Tuyết, y tá của Viện Y học Hải quân. Cưới nhau xong, vợ chồng Hưng - Tuyết thuê nhà ở TP Hải Phòng. Năm 2013, khi vợ Hưng vừa có bầu, thì tàu của Hưng nhận nhiệm vụ đi trực bảo vệ tàu Bình Minh thăm dò dầu khí trên biển. Một thời gian sau, khi tàu trở về bờ, Hưng liền gọi điện thoại cho vợ thì được Tuyết nức nở báo tin: "Con của chúng mình không giữ được...!". Lúc đó, Hưng như chết lặng người, song vẫn an ủi vợ. Sáu tháng sau, vợ vừa có bầu được bốn tuần, thì Hưng lại xa vợ, lên đường làm nhiệm vụ 127 ngày trên biển và một số nhiệm vụ khác. Sang tháng thứ chín, Thiếu úy Hưng vẫn chưa về thăm và động viên vợ được. Hiện chị Tuyết đã về quê chồng ở Thanh Hóa sinh con. Ðúng chiều 11-6 vừa qua, Ðại úy Thường ra công tác ở Hoàng Sa lần thứ hai, đi trên tàu CSB 2016 tình cờ gặp Trung úy chuyên nghiệp Hoàng Văn Sáu, nhân viên máy tàu, lại chính là anh vợ của Thiếu úy Hưng. Trong câu chuyện, biết ngày mai Thường chuyển sang tàu CSB 4033, Trung úy Sáu mừng quýnh và reo lên: "Ôi may quá! Ngày mai anh sang tàu 4033, nhờ anh thông báo với Hưng: "Tuyết vừa sinh cháu trai chiều nay, nặng 3,1 kg". Trung úy Thường nói với tôi: "Ðược tin vợ Thiếu úy Hưng sinh cháu trai, em rất phấn khởi. Vì cặp vợ chồng này là nhân vật trong bài viết của em. Ngày mai, khi chuyển sang tàu CSB 4033, việc đầu tiên là em sẽ báo tin cho Hưng biết, để toàn tàu cùng chia vui và chúc mừng Hưng lên chức "bố"...
Gần 10 ngày "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia hoạt động) với cán bộ, chiến sĩ CSB và cán bộ, nhân viên kiểm ngư Việt Nam, trên các tàu CSB 2016 và 4033; tàu Kiểm ngư 952..., ở vùng biển Hoàng Sa, tôi càng cảm phục tinh thần dũng cảm, bình tĩnh, tự tin, kiên trì của lực lượng CSB và Kiểm ngư Việt Nam trong phối hợp tiếp cận, áp sát giàn khoan Hải Dương - 981 đấu tranh tuyên truyền, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền và chủ trương đấu tranh hòa bình của ta... Ðồng thời, yêu cầu các lực lượng của Trung Quốc sớm rút giàn khoan Hải Dương - 981 và lực lượng tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Mặc dù, mỗi khi các tàu CSB và Kiểm ngư Việt Nam tiếp cận gần đến vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, là các tàu và máy bay của Trung Quốc lại quần thảo, áp sát, vây ép, đâm va vào các tàu của ta đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, nhiều tàu bị đâm va, phun vòi rồng làm hư hỏng các trang, thiết bị; hàng chục cán bộ, nhân viên trên các tàu kiểm ngư bị thương trong khi làm nhiệm vụ..., song các cán bộ, chiến sĩ CSB và cán bộ, nhân viên kiểm ngư vẫn kiên cường bám biển, đấu tranh kiên quyết, giải quyết các tình huống xảy ra bằng phương pháp hòa bình; sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc...
Một chuyến làm báo ở Hoàng Sa, đó sẽ mãi mãi là ký ức không thể nào quên.
Theo TRẦN QUYẾT/NHANDAN.COM.VN