Cập nhật: 11/07/2014 15:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu mạnh dạn đầu tư, đóng tàu công suất lớn, xây dựng các mô hình liên kết hỗ trợ đánh bắt xa bờ

Bà Rịa -Vũng Tàu hiện có hơn 6.300 tàu, thuyền đánh bắt thủy sản, trong đó tàu đủ điều kiện đánh bắt xa bờ trên 2.500 chiếc. Để nâng cao hiệu quả khai thác trên biển, thời gian qua, ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã mạnh dạn đầu tư, đóng mới tàu có công suất lớn, xây dựng các mô hình liên kết hỗ trợ đánh bắt xa bờ. Đặc biệt, khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhiều tổ đội đoàn kết luôn vững tin tăng cường ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản và giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

30 năm làm nghề đi biển với 7 cặp tàu 14 chiếc có công suất trên 450 CV chưa bao giờ ông Đỗ Ngọc Đức ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lại quyết tâm bám biển dài ngày như hiện nay. Nghỉ ngơi sau chuyến ra khơi, những ngày này ông và đội tàu lại sẵn sàng cho chuyến đi dài ngày ở vùng biển Trường Sa. Bởi ông quan niệm yêu nước thì phải gắn bó với ngư trường của mình.

Điều khiến cho ngư dân Phước Tỉnh và ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu cảm thấy an tâm, phấn khởi khi chủ động vươn khơi xa là thời gian qua, chính quyền địa phương đã quan tâm thiết thực tới bà con như: hỗ trợ vay vốn để đóng mới tàu thuyền và tổ chức nhiều tổ đội sản xuất trên biển giúp ngư dân đánh bắt hiệu quả hơn. Đến thời điểm này, cả tỉnh đã thành lập được 75 tổ đội đoàn kết trên biển với 441 tàu cá và hơn 500 thành viên. Các tổ đội đã giúp nhau vươn khơi xa dài ngày, cung cấp thông tin cho nhau về ngư trường đánh bắt, luân phiên chuyên chở cá vào bờ tiêu thụ, tiết kiệm được nhiên liệu; kịp thời hỗ trợ nhau khi gặp sự cố tàu hỏng, hay đối phó với sự uy hiếp của tàu nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, ngư dân ở cảng cá Phước Tỉnh cho biết: “Xưa kia không liên kết với nhau, chúng tôi đi không quá 1 tháng. Khoảng 20-30 ngày lo cá hỏng phải chạy về. Còn giờ đã có liên kết, đi bao lâu về cũng được, khi nào hết cá mới về. Cá được bao nhiêu chúng tôi gửi ghe trong tổ đem về”.

5 năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã hỗ trợ cho ngư dân trên 25,5 tỷ đồng về chi phí nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, đồng thời trang bị máy móc thiết bị kết nối vệ tinh trị giá trên 500 triệu đồng. Nhờ đó, ngư dân thêm an tâm bám biển và sản lượng đánh bắt xa bờ ngày càng tăng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác thủy hải sản của tỉnh đạt 145.000 tấn, tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, khi có thông tin Chính phủ quyết định phân bổ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cùng với việc ban hành Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó quy định chính sách ưu đãi về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy sản, ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu rất phấn khởi. Với những ngư dân có nhu cầu đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép thì đây là cơ hội để họ tiếp tục đầu tư cho nghiệp đi biển mà bao đời nay từng gắn bó. Theo ngư dân ở đây giá thành đóng mới tàu vỏ thép cao hơn tàu gỗ từ 50-60%, chi phí nhiên liệu sẽ nhiều hơn, nhưng tàu vỏ thép an toàn hơn và về lâu dài mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn. Đây là chính sách hợp lòng dân.

Ông Huỳnh Văn Dương - ngư dân ở xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ bày tỏ: “Bà con ngư dân ở đây cũng cần nhà nước hỗ trợ để đóng tàu lớn ra khơi. Tàu sắt đi thì bảo đảm nhưng nguyên liệu đóng mới tốn kém, chỉ có nhà nước ủng hộ hỗ trợ tiền thì bà con mới làm được thôi”.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như bà con ngư dân đang băn khoăn về mẫu tàu vỏ sắt như thế nào, ngư lưới cụ ra sao cho phù hợp, cùng với đó là phải nâng cấp cảng cá, cửa biển, nạo vét luồng lạch để tàu ra vào... Vì hiện nay, đa số các cảng cá tại Bà Rịa-Vũng Tàu đều bị bồi lắng khiến cho tàu, thuyền gặp nhiều khó khăn khi vào neo đậu.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Trưởng phòng Quản lý Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói: “Sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con ngư dân tiếp cận được gói này. Khi được tiếp cận gói hỗ trợ này thì phải làm sao đóng tàu cho bà con đảm bảo chất lượng cũng như thuận lợi và có khả năng khai thác tốt. Khi có tàu lớn bắt buộc các cảng cá, các dịch vụ hậu cần phải tốt nhất để phục vụ đội tàu này".

Ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu đang vững tin vươn khơi bám biển và mong muốn chương trình cho vay ưu đãi, đóng tàu vỏ sắt khai thác xa bờ được triển khai đúng quy định. Có như vậy mới đảm bảo an toàn cho ngư dân, giúp ngư dân vừa nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Cao Thoa/VOV- TPHCM/VOV.VN

Tệp đính kèm