(Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN)
Những năm qua, Hà Nội đã triển khai Quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn, tiến tới xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Song, thực tế trong quá trình thực hiện hệ thống giết mổ gia súc gia cầm, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều vấn đề vướng mắc như chi phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng lớn, việc giao, cho thuê đất phải qua nhiều thủ tục nên các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giết mổ còn lúng túng, chưa tiếp cận được với đất đai để đầu tư...
Nhiều doanh nghiệp "tố khổ"
Theo số liệu của Sở Công Thương, ước tính nhu cầu sử dụng thịt gia súc gia cầm của Hà Nội năm 2013 là 272.00 tấn (745,2 tấn/ngày); trong đó thịt trâu, bò là 30.783 tấn; thịt lợn là 179.652 tấn; thịt gia cầm là 61.565 tấn.Như vậy, sản phẩm chăn nuôi sản xuất đáp ứng phần lớn cho tiêu dùng của Hà Nội, trong khi đó việc xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế.Đáng báo động, có đến 70% trong số thực phẩm trên được giết mổ tại các hộ gia đình, điểm giết mổ thủ công không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không được kiểm soát về thú y, dịch bệnh
Ông Nguyễn Hồng Yên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai cho biết, huyện đã được thành phố phê duyệt khu giết mổ gia súc gia cầm từ năm 2012, với diện tích khoảng 4,4ha. Đến nay mới có 1 tỷ đồng được chi cho khâu chuẩn bị đầu tư.Năm nay, huyện đã xây dựng phương án, họp dân để thành lập hợp tác xã giết mổ tập trung nhưng đến nay chưa được cấp vốn (khoảng 35 tỷ đồng) để triển khai xây dựng dự án. Nếu thành phố bố trí kinh phí để giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu thì đến năm 2015 sẽ tiến hành xây dựng và hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng.Ông Nguyễn Hữu Tùy, chủ đầu tư dự án giết mổ gia cầm tập trung tại huyện Ứng Hòa cũng kêu khó do doanh nghiệp đang vướng mắc về thủ tục đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng... dẫn đến chậm tiến độ làm thay đổi thời giá, tăng chi phí đầu tư...
"Huyện có số lượng giết mổ gia súc gia cầm lớn, đặc biệt có sản phẩm truyền thống là vịt cỏ Vân Đình. Để phát huy được giá trị này, Công ty đã lên phương án xây dựng nhà máy giết mổ với công suất 1.500 đến 2.000 con/ngày đêm, quy mô 3.000 m2", ông Tùy cho biết. Bên cạnh những hạn chế trong công tác đầu tư xây dựng mới các nhà máy giết mổ ở các huyện ngoại thành, một số công ty được thành phố đầu tư hỗ trợ sớm, đã hoạt động được một vài năm gần đây, cũng đang gặp không ít khó khăn trong hoạt động.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Hiền tại Khu công nghiệp Bích Hòa ở huyện Thanh Oai đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng cơ sở giết mổ tập trung nhưng hiện nay mới có 27 hộ giết mổ nhỏ lẻ tham gia hoạt động. Đơn vị này còn khoảng 20 ô bỏ không.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty cho biết, chủ trương đưa các điểm giết mổ vào khu công nghiệp nhưng “chính quyền địa phương làm thiếu quyết liệt nên cứ dẹp chỗ này, các hộ giết mổ nhỏ lẻ lại chạy sang chỗ khác.”Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều điểm giết mổ nằm ở ngay các khu dân cư như ở phường Dương Nội, Trung Văn, Văn Quán quận Hà Đông hay ở quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm…
Tạo quỹ đất xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Lê Thị Loan cho rằng, trong tình hình ngân sách đang khó khăn, việc rà soát lại quy hoạch về điểm giết mổ tập trung là hết sức cần thiết, để tạo sự đầu tư tập trung và có lộ trình phù hợp, đồng thời cần quan tâm đầu tư vào những khu giết mổ đã được xây dựng mà mới hoạt động được một phần công suất.
Ủy ban Nhân dân các huyện cần quan tâm hơn nữa đến doanh nghiệp, chính sách ưu đã tập trung hỗ trợ theo Quyết định 16 của Ủy ban Nhân dân thành phố.Bà Loan cũng gợi ý nên có chính sách hỗ trợ làm điểm ở một số doanh nghiệp lớn, sau đó sẽ đánh giá và nhân rộng ra các đơn vị khác. Sau khi đi thực tế và nghe các doanh nghiệp "tố khổ," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt đã chỉ đạo: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giết mổ gia súc, gia cầm, triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã ưu tiên, tạo quỹ đất phục vụ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư; phối hợp với các sở, ngành tập trung hoàn thiện các thủ tục để áp dụng các chính sách về đất đai theo Điều 7, Nghị định 2010/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cũng nhấn mạnh: Các quận, huyện cần tổ chức kiểm tra, rà soát, thông báo yêu cầu chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ tại các khu vực xung quanh các nhà máy giết mổ tập trung công nghiệp, bán công nghiệp đã được đầu tư; thực hiện nghiêm việc cấm giết mổ động vật trong khu vực nội thành, nội thị và những nơi tập trung đông dân cư.
Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung điều kiện hoạt động có hiệu quả; thực hiện nghiêm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giết mổ.Các doanh nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm cần chủ động hợp tác, liên doanh, liên kết để huy động nguồn vốn đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; nâng cao năng lực và quy mô giết mổ đối với các cơ sở hiện có./.
Theo TTXVN/VIETNAM+
http://www.vietnamplus.vn/nhieu-vuong-mac-trong-he-thong-giet-mo-gia-suc-gia-cam/270557.vnp