Kiên quyết xử lý cán bộ bảo kê, bao che, tiếp tay cho buôn lậu và thuyên chuyển công tác những cán bộ có dư luận về tiêu cực trong công tác; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại; biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ làm tốt.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành Hải quan phải góp phần chống buôn lậu trực tiếp, hiệu quả hơn. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh điều này khi làm việc với Tổng cục Hải quan về kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2014 (chiều 21/7).
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, tính đến ngày 15/6/2014, các đơn vị trong ngành đã phát hiện, bắt giữ 8.915 vụ vi phạm, trị giá vi phạm ước tính 168 tỷ 904 triệu đồng; khởi tố 33 vụ án hình sự... Đặc biệt, đã bắt giữ 1 vụ buôn lậu xăng dầu tạm nhập tái xuất lớn, tịch thu 1.650 tấn, 422.000 lít và 1.640 m3 dầu, với khoảng 70 tỷ đồng tiền thuế.Bên cạnh đó, hải quan đã xử lý 22 đơn vị lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng xuất khẩu để chiếm đoạt thuế với số thuế gian lận ước tính hơn 1.000 tỷ đồng; bắt quả tang Công ty Thực phẩm Sài Gòn khai báo sai và xuất khống nhằm chiếm đoạt 70 tỷ đồng tiền thuế VAT; chống vi phạm đối với hàng “bách hóa” vì nhiều đối tượng lợi dụng sự thông thoáng về quy trình và thủ tục hải quan đã khai báo sai số lượng, chủng loại, giá trị và làm giả hồ sơ hải quan để gian lận, trốn thuế với hàng trăm conteiner vi phạm, số tiền thuế truy thu chênh lệch lên hàng trăm tỷ đồng...Trong thời gian tới ngành Hải quan tiếp tục thực hiện kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, tập trung vào các tuyến, địa bàn, mặt hàng, đối tượng trọng điểm, lường trước những hiện tượng, tình huống phát sinh để có phương án đấu tranh phù hợp nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.
Không để chính sách phòng chống buôn lậu bị lợi dụng
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thực tế cho thấy hiện còn những chính sách chưa chặt chẽ, dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng làm thất thu ngân sách Nhà nước (như kẽ hở trong chính sách hàng hóa tạm nhập tái xuất; việc DN khai khống để hoàn thuế VAT; vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa tại khu vực biên giới...). Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần sớm khắc phục những bất cập nêu trên để góp phần từng bước ngăn chặn trực tiếp và có hiệu quả công tác buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay...
Phó Thủ tướng nói hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường, gây bức xúc lớn trong xã hội; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã và đang phá hoại nền sản xuất trong nước, gây thất thu NSNN. Nghiêm trọng hơn, tình trạng buôn lận, gian lận thương mại và hàng giả đi liền với tiêu cực, tham nhũng, làm thoái hóa cán bộ, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.Phó Thủ tướng cũng cho rằng, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa tốt nên hiệu quả đấu tranh chưa cao. Chính sách, thể chế chưa rõ ràng, nhiều sơ hở, bất cập, chồng chéo đã để cho các đối tượng lạm dụng, lợi dụng; nhận thức của một số người trong hệ thống chính trị đối với vấn đề này còn chưa đầy đủ...
Về giải pháp, Phó Thủ tướng nêu rõ ngành Hải quan phải nhận thức rõ về ngành hàng, mặt hàng, đối tượng và địa bàn buôn bán hàng lậu, hàng giả để có biện pháp mạnh xử lý và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan cần tham mưu sớm để hoàn thiện việc xây dựng chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa của ngành, triệt để áp dụng CNTT, cơ chế phân biệt rủi ro. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các sai phạm thuộc phạm vi quản lý của mình; kiên quyết xử lý cán bộ bảo kê, bao che, tiếp tay cho buôn lậu và kỷ luật nghiêm đối với những cán bộ có dư luận về tiêu cực trong công tác.
Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại; biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ làm tốt; sớm sửa đổi những bất cập, hạn chế của chính sách, pháp luật nhằm ngăn chặn những yếu kém trong công tác này; đẩy mạnh tuyên truyền trong trong nhân dân để người dân không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
Theo Lê Sơn/Chinhphu.vn