Cập nhật: 08/08/2014 15:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo kế hoạch, đầu tháng 10/2014, người dân ở huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ được hòa điện lưới Quốc gia. Chính quyền và người dân nơi đây đang kỳ vọng những đổi thay về kinh tế-xã hội ở huyện đảo Lý Sơn từ chính sách ưu tiên này của Chính phủ.

 

Khẩn trương hoàn thiện các hạng mục để đưa điện về với người dân Lý Sơn. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Những ngày này, hàng trăm công nhân, kỹ sư Công ty điện lực tỉnh Quảng Ngãi đang khẩn trương làm việc ngày đêm để đóng cột, kéo dây điện, lắp công tơ về tận gia đình các hộ dân. Huyện đảo Lý Sơn cũng đã huy động toàn bộ nhân lực tập trung hết cho việc lắp đặt điện lưới quốc gia. Dự kiến đến tháng 10, sẽ hoàn thành và đưa điện lưới quốc gia ra với bà con huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi.

Người dân nơi đây đang tất bật, háo hức đi mua sắm thiết bị sử dụng như tivi, quạt điện, các thiết bị điện tử… để chuẩn bị đón sự kiện quan trọng này. Với người dân huyện đảo Lý Sơn, đây là niềm mong mỏi đã từ lâu!

Nhiều năm qua, mỗi ngày, người dân huyện đảo Lý Sơn chỉ được sử dụng điện nhờ máy phát điện diesel đặt trên huyện đảo. Giá điện thì cao mà mỗi ngày cũng chỉ được sử dụng 6 tiếng đồng hồ, từ 17h đến 21h.

Bà Nguyễn Thị Hoa, 70 tuổi ở đảo Lý Sơn không giấu nổi niềm vui: "Cả đời gắn bó với đảo, cuộc sống khó khăn, nhưng không có điện lại càng khổ hơn. Người dân như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tưới nước cho hành, tỏi. Do ban ngày không có điện nên đêm nào chúng tôi cũng phải thức canh điện để có nước tưới. Có điện quốc gia, chúng tôi không còn cảnh nơm nớp lo sợ thiếu điện, thiếu nước nữa, mừng không kể siết!".

Không chỉ người dân mà các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn nơi đảo Lý Sơn cũng hết sức vui mừng khi nơi đây hòa lưới điện. Các doanh nghiệp cho biết chắc chắn khi hòa lưới điện, đảo Lý Sơn sẽ là nơi thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến du lịch.

Nhiều DN kinh doanh khách sạn cho biết đang xem xét mở rộng, nâng cấp phòng ốc, cơ sở vật chất để đảm bảo lượng du khách đến đảo có điều kiện lưu trú lâu hơn để tìm hiểu về đời sống của người dân vùng tỏi và những thắng cảnh, lịch sử của vùng đất nơi đây.

Huyện đảo Lý Sơn được thành lập cách đây hơn 21 năm (ngày 1/1/1993). Khi đó, mọi sinh hoạt trên đảo đều phụ thuộc vào ngọn đèn dầu. Đến năm 2005, ngành Điện Quảng Ngãi đầu tư thêm 2 tổ máy phát điện bằng dầu diesel. Dù vậy, việc cấp điện cho Lý Sơn vẫn chỉ cầm chừng. Năm 2013, 4 tổ máy khác được bổ sung cho Nhà máy Điện Lý Sơn. Nhờ vậy, 100% người dân ở đảo lớn (xã An Vĩnh, An Hải) có điện nhưng thời gian cấp điện cũng chỉ kéo dài được từ 17h đến 23h hằng ngày. Trong khi đó, ở đảo Bé (xã An Bình), người dân sử dụng điện năng lượng mặt trời.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, trong nhiều năm qua, vì không có điện lưới quốc gia nên việc phát triển kinh tế-xã hội của huyện đảo Lý Sơn gặp nhiều khó khăn. 22.000 người dân Lý Sơn thường sống trong cảnh nguồn điện sinh hoạt thiếu thốn, không ổn định, các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ thuộc vào điện cũng không có cơ hội phát triển mạnh. "Điện cáp ngầm ra đảo hoàn thành sẽ là động lực chính thúc đẩy kinh tế Lý Sơn phát triển”, ông Nguyên phấn khởi.

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Điện lực Lý Sơn cho biết, đến nay, về cơ bản đã hoàn thành trên 80% khối lượng dự án. Cụ thể, đã xây mới 7,43 km đường lưới điện trung áp (22KV); 8,5 km đường lưới điện hạ áp (0,4KV); lắp mới 9 trạm biến áp phụ tải; nâng cấp 6 trạm biến áp phụ tải, tổng điện áp của 15 trạm biến áp trên là 3.330 KVA. Đã hoàn thành về cơ bản 2 đường dây trên; đã nghiệm thu, đóng điện 12/15 trạm biến áp. Hạng mục quang trọng nhất với hơn 26km cáp quang chạy dưới biển đang trên đường về Quảng Ngãi.

Dự án đưa điện lưới quốc gia phục vụ người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được thực hiện theo Quyết định 7609/QĐ-BCT về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình "Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm” của Bộ Công Thương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/10/2013 có tổng mức đầu tư dự án 652 tỷ đồng, trong đó 85% nguồn vốn huy động từ ngân sách Nhà nước và Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, 15% vốn của Tổng Công ty Điện lực miền Trung.

Theo Lưu Hương/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm