Ngành vận tải biển Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi tích cực, giá cước thấp, nguồn hàng khan hiếm, chi phí hoạt động tăng cao khiến nhiều DN tàu biển gặp khó khăn về vốn, hiệu quả kinh doanh kém, thua lỗ kéo dài, nhiều chủ tàu có nguy cơ phá sản.
Hiện 1.300 tàu vận tải biển Việt Nam đã đảm nhận gần như 100% sản lượng vận tải biển nội địa, không còn tình trạng tàu neo đậu dài ngày do không có hàng nhưng các DN vận tải biển nội địa vẫn không thoát khỏi khó khăn là do nguồn hàng vận tải khan hiếm; thị trường vận tải mất cân đối chiều Hải Phòng-Sài Gòn sản lượng chỉ đạt khoảng 60% so với chiều ngược lại; giá cước vẫn thấp trong khi các chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí nhiên liệu liên tục tăng cao.
Đối với tuyến quốc tế, 400 tàu vận tải mang cờ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10-12% tổng sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam, còn lại do tàu nước ngoài đảm nhận.
Nguyên nhân không nhỏ của tình trạng trên là do đội tàu vận tải biển Việt Nam đang dư thừa trọng tải tàu với tàu trọng tải nhỏ chở hàng khô, rời, trong khi thiếu các tàu chuyên dụng và tàu trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế; tuổi tàu bình quân cao.
“Chưa kể, năng lực quản lý của các DN vận tải biển còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều chủ tàu chỉ quản lý một vài tàu nhỏ, kém chất lượng, kinh nghiệm và năng lực quản lý kinh doanh vận tải biển yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh chung của toàn đội tàu”, Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Nhật cho biết.
“Cùng với đó, tình trạng thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn, chi phí thuê bến bãi, nhiên liệu tăng nhanh đang là gánh nặng với các DN. Thậm chí, nhiều chủ tàu chấp nhận dừng chạy để giảm lỗ”, ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam nêu thực tế.
Không chỉ gặp khó trong lĩnh vực vận tải, nhiều DN cảng biển cho rằng do sự đầu tư thiếu đồng bộ giữa hạ tầng cảng và hạ tầng giao thông kết nối kèm theo các chính sách đầu tư khai thác chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng mất cân đối trong phát triển cảng biển, có nơi thiếu cầu bến để bốc dỡ hàng hóa, có nơi mật độ cầu bến đưa vào quá lớn so với nhu cầu thông quan hàng hóa. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh khai thác cảng.
Đồng tình với nhận định này, Thượng tá Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng không thể cạnh tranh bằng hạ giá trong lĩnh vực vận tải biển mà phải đầu tư về công nghệ dịch vụ, hỗ trợ phí xếp dỡ giao nhận hàng tại chỗ, cung cấp dịch vụ logistics.
“Bộ GTVT cần nhanh chóng ban hành giá sàn cho các cảng biển khu vực TPHCM và có chính sách quy hoạch các trung tâm dịch vụ logistics vào cùng một khu để thuận tiện giao nhận hàng hoá”, ông Thuấn kiến nghị.
Những khó khăn của ngành vận tải biển đã được lãnh đạo Bộ GTVT trực tiếp ghi nhận tại Hội nghị đối thoại DN vận tải biển, cảng biển 2014, sáng 5/8.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng trong Bộ khẩn trương rà soát lại chiến lược quy hoạch, phát triển cảng biển trên cả nước nhằm đồng bộ hoá cơ sở hạ tầng ngành hàng hải kết nối được với đường sắt, đường bộ, và đường hàng không. Đồng thời tiếp tục đẩy nhanh cổ phần hoá DN vận tải biển thuộc Bộ để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các DN.
“Bộ GTVT đã và đang xây dựng các cơ chế ưu đãi với các DN phát triển; làm việc cụ thể với Bộ Công Thương tìm các giải pháp làm sao để đưa thị phần hàng hoá xuất nhập khẩu trở lại đội tàu biển Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết thêm.
Theo Phan Trang/Chinhphu.vn