Mùa Vu lan báo hiếu là dịp để mỗi người sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn cha mẹ và những số phận xung quanh mình.
Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, Đại lễ Vu lan không chỉ là ngày lễ của riêng Phật giáo mà đã trở thành ngày lễ chung để những người con thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các đấng sinh thành, dưỡng dục. Mùa Vu lan báo hiếu cũng là dịp để mỗi người chúng ta sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm và hành động thực sự tới cha mẹ và những số phận xung quanh mình.
“Bông hồng vàng báo hiếu mẹ cha
Tháng bảy mưa ngâu hay nước mắt nhạt nhoà
Của những đứa con nhớ về cha mẹ…”
Nắn nót viết từ câu thơ lên bản tin "Mùa Vu lan báo hiếu" ở Chùa Phổ Quang, quận Tân Bình (TPHCM), anh Nguyễn Văn Dương ở phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP HCM cho biết, đã bao mùa Vu lan trôi qua, nhưng với anh, mỗi mùa lại mang đến cảm xúc khác nhau. Lúc trước anh không quan tâm lắm đến tình cảm cha mẹ dành cho mình nên có lúc để cha, mẹ phải buồn lòng. Giờ đây, khi cha không còn, mùa Vu lan lại nhắc anh về những lỗi lầm đã qua.
Lên chùa dự lễ Vu Lan, người còn mẹ thì được cài bông hồng đỏ, người không còn mẹ được cài bông hồng trắng (Ảnh minh họa)
Theo truyền thống Phật giáo ở nước ta, rằm tháng Bảy hàng năm là ngày lễ Vu Lan báo hiếu. Trong ngày lễ này, ngoài nhưng nghi thức thông thường như: giảng kinh về đạo hiếu, phóng sinh… thì những người đến chùa dự lễ, mỗi người đều được cài lên ngực áo một bông hoa hồng nhỏ. Người còn mẹ thì được cài bông hồng đỏ, người không còn mẹ thì được cài bông hồng trắng để mọi người nhớ về người mẹ của mình. Việc làm này nhằm cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được siêu thoát và nhắc nhở những người may mắn còn cha, còn mẹ thực hành sống thương yêu.
Có cha có mẹ cuộc đời như ngập tràn niềm vui và hạnh phúc. Mất cha mất mẹ là mất cả bầu trời, mất điểm tựa bình yên và mất đi bến bờ hạnh phúc. Vì vậy, những ai còn cha mẹ, hãy hiếu thảo hơn với các đấng sinh thành, bởi trong cõi đời hữu hạn này, tình yêu của mẹ cha với con cái là vô hạn. Đừng đợi đến khi cha mẹ mất đi mới báo hiếu, khi đó có khi đã muộn.
Là một người chẳng may mất cả cha lẫn mẹ, chị Tống Thị Hồng Hoa, phường 3, quận 8, TP HCM thấu hiếu hơn ai hết giá trị hạnh phúc gia đình còn cha và mẹ. Chị Hoa tâm sự: “Khi cha mẹ còn sống, cha mẹ lo mình đầy đủ. Đến khi cha mẹ mất đi, tôi mới hiểu được giá trị của những ngày tháng hạnh phúc ấy. Vì vậy, những ai còn cha còn mẹ hãy biết quý khi cha mẹ còn sống, đừng để đấng sinh thành phải buồn lòng”.
Khởi nguồn là ngày lễ của các Phật tử, lễ Vu Lan giờ đây đã trở thành lễ báo hiếu của người Việt Nam. Tinh thần mùa Vu Lan cũng được mở rộng ra không chỉ giáo dục lòng hiếu thảo mà còn giáo dục tình yêu thương đất nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, yêu thương cha mẹ, mọi người. Hòa thượng Thích Nguyên Hạnh, Ủy viên Ban trị sự Thành hội Giáo hội Phật giáo TP HCM, trị sự chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, TP HCM cho hay: “Mỗi năm số người hưởng ứng báo đáp cha mẹ trong hiện đời và trong quá khứ ngày càng nhiều hơn. Lễ Vu lan cũng phù hợp với tinh thần đạo hiếu của người dân Việt Nam là đề cao chữ hiếu, phù hợp với tinh thần của nhà Phậ. Từ đó chương trình báo hiếu của nhà Phật trở thành một trong những chương trình chung của cộng đồng và của tất cả mọi người”.
Lễ Vu lan báo hiếu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, là dịp để mỗi chúng ta nhắc nhở mình: “Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”. Để rồi từ đó tự nhủ lòng phải sống sao cho xứng đáng với công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành./.
Theo Hương Lý/VOV-TP HCM/VOV.VN