Cập nhật: 15/08/2014 13:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê có 236 nữ công nhân viên chức bị thương tật do tai nạn lao động với tỷ lệ từ 31% trở lên.

Mất đi một phần cơ thể, bị đau đớn do di chứng thương tật, song với nghị lực phi thường, các chị đã vượt qua nỗi mặc cảm về sự mất mát của bản thân, khắc phục rất nhiều khó khăn để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, để luôn là điểm tựa của gia đình.

Chồng mất khi con mới 25 ngày tuổi, một mình chị Bùi Thị Điệp từ Quảng Ngãi vào thành phố bươn chải kiếm sống. Những tưởng yên lành là công nhân ở Xí nghiệp may Sài Gòn 2, chi nhánh Thị Nghè, không ngờ, tai nạn lao động đã khiến chị mất đi 4 ngón tay phải, tỷ lệ thương tật lên đến 44%. Tai họa ập đến khiến khó khăn thêm chất chồng. Sau tai nạn chị vẫn tiếp tục công việc cũ nhưng cũng không được bao lâu vì sức khỏe kém. Hiện nay chị đã xin được việc làm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên Tâm ở quận 12, được công ty bố trí khâu đóng gói thành phẩm, thu nhập mỗi tháng 3 triệu đồng. Công việc vừa sức với chị nên chị Điệp yên tâm hơn.

Chị Điệp chia sẻ: “Hồi đó nằm trong bệnh viện, lúc nào tôi cũng phải tìm cách tự làm mọi thứ, suy nghĩ xem sẽ phải cầm bút viết như thế nào. Khi ra viện, hàng ngày đi làm tôi vẫn nấu cơm mang theo, cố gắng dành dụm để nuôi con ăn học, khỏe mạnh.”

 

Ý thức về tai nạn lao động cần được nâng cao để bảo vệ chính những người lao động (Ảnh minh họa: KT)

Cũng bị thương nặng nhưng chị Võ Thị Hồng Hoa, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Gia Thành  may mắn hơn vì cơ thể vẫn được vẹn toàn sau tai nạn với xe tải xảy ra trên đường đi làm việc. Tuy vậy, cánh tay phải của chị rất yếu do bị gãy làm ba và được nối lại bằng inox. Mất sức lao động 31%, chị Hoa vẫn được công ty cho tiếp tục công việc nấu ăn tại bếp ăn tập thể. Chồng bị mất sức lao động, một mình chị gồng gánh đi làm, tiện tặn để dành dụm nuôi con đang học lớp 7. Khó khăn là thế nhưng ánh mắt chị Hoa luôn ánh lên niềm vui, sự lạc quan về một ngày mai tươi sáng hơn.

“Tôi cũng cố gắng vươn lên, tiếp tục đi làm để duy trì cuộc sống của gia đình. Hơn nữa, công ty đối xử tốt với mình như vậy nên cũng phải nỗ lực. Tôi may mắn được Nhà nước cấp cho một ngôi nhà nhỏ, người dân xung quanh cũng hỗ trợ mỗi người một ít, giúp gia đình tôi vượt qua được giai đoạn khó khăn.”, chị Hoa nói.

Điều mà những nữ công nhân như chị Hoa, chị Điệp thấy ấm lòng là ngoài sự vươn lên của các chị, còn có sự quan tâm, chăm sóc của các chủ doanh nghiệp của các cấp công đoàn bằng hình thức hỗ trợ thiết thực như: thăm hỏi, tặng quà khi ốm đau và đặc biệt là được bố trí công việc phù hợp với sức khỏe. Chính nhờ vậy mà các chị đã lấy lại tinh thần, nỗ lực làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Đối với nữ giới, cứ mỗi dịp 8/3, chúng tôi đều tổ chức họp mặt các chị em từ mọi nơi, năm nay sẽ tặng mỗi người một phần quà 500.000 đồng. Đây là dịp để mọi người cùng trao đổi chia sẻ những khó khăn của mình, động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ, để cảm thấy mình có ích cho xã hội, cho doanh nghiệp và đặc biệt là chỗ dựa tinh thần rất lớn cho gia đình.”

Điều mong mỏi lớn nhất của các nữ công nhân bị thương tật do tai nạn lao động là ý thức về an toàn lao động sẽ ngày càng nâng cao, để những tai nạn đáng tiếc không còn tái diễn./.

Theo Ngọc Xuân/VOV - TPHCM

Tệp đính kèm