Cập nhật: 17/08/2014 14:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nếu tổ chức kỳ thi quốc gia thì “3 chung” sẽ không còn nữa, các trường ĐH, CĐ hoàn toàn thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh.

Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến dư luận xã hội về Dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, gồm 3 phương án. Điểm mới của các phương án đưa ra là kỳ thi có thể thi theo môn hoặc theo bài và kết quả của kỳ thi sẽ là căn cứ quan trọng để các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thực hiện tuyển sinh.

Cho dù đến nay, phương án khả thi nhất chưa được công bố nhưng trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ năm 2014 diễn ra sáng 15/8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết và sẽ giảm được áp lực xã hội...

 

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ đạt được 2 mục tiêu

PV: Thưa Thứ trưởng, tại sao phải tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 và kỳ thi này có sự khác biệt thế nào so với các kỳ thi truyền thống hiện nay?

Thứ  trưởng Bùi Văn Ga: Hiện nay, chúng ta có kỳ thi tốt nghiệp THPT và sau đó là kỳ thi ĐH, CĐ tổ chức thành 3 đợt quá nặng nề.

Trong 13 năm qua, chúng ta tổ chức kỳ thi ĐH, CĐ theo phương thức “3 chung” (chung đề, chung đợt và chung kết quả xét tuyển). Kỳ thi đã bị phàn nàn rất nhiều về độ phức tạp, tốn kém, nặng nề với thí sinh và xã hội, nên từ năm 2011, Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu phương án đổi mới kỳ thi sao cho nhẹ nhàng nhất. Ý tưởng đó đã được đưa vào Luật Giáo dục Đại học năm 2013, cho phép các trường ĐH, CĐ tự tuyển sinh.

Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ là việc chúng ta phải làm theo định hướng có kỳ thi nhẹ nhàng, một lúc đạt hai mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.

Như vậy, tổ chức kỳ thi quốc gia thì “3 chung” sẽ không còn nữa, các trường ĐH, CĐ hoàn toàn thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh.

PV: Vậy việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT có phải cách duy nhất các trường ĐH, CĐ tuyển sinh hay không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Kết quả thi tốt nghiệp THPT không phải duy nhất để các trường ĐH, CĐ dựa vào đó để tuyển sinh. Khác với kỳ thi “3 chung” trước đây bắt buộc các trường phải sử dụng kết quả ấy để tuyển sinh, với các quy định cứng nhắc, còn bây giờ, các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh, Bộ chỉ cung cấp cơ sở dữ liệu của kỳ thi THPT quốc gia để các trường tuyển sinh. Theo đó, các trường có các phương thức lựa chọn là sử dụng toàn bộ kết quả đó để tuyển sinh, hoặc sử dụng một phần kết quả, kết hợp kiểm tra thêm về năng lực của thí sinh thông qua các hình thức: phỏng vấn, kiểm tra IQ, làm bài luận... Ngoài ra, các trường thấy cần thiết yêu cầu chất lượng cao hơn có thể tổ chức một kỳ thi riêng vào trường.

Như vậy, tùy chất lượng nguồn tuyển, cũng như đặc thù học ngành nghề khác nhau, các trường tự quyết phương án tuyển sinh của mình.

 Sẽ thi và chấm bài theo cụm, vùng

 PV: Để các trường ĐH có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia xét tuyển thí sinh vào trường, theo Thứ trưởng, việc tổ chức kỳ thi cần thay đổi như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước tiên, độ tin cậy của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia có vai trò rất quan trọng. Bởi nếu kết quả không tin cậy mà các trường phải tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng nữa thì rõ ràng lại phức tạp, tốn kém hơn rất nhiều so với như hiện nay.

Vì vậy, trong Đề án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất các giải pháp để đảm bảo độ tin cậy, công bằng cho kỳ thi.

Chẳng hạn, việc tổ chức kỳ thi có thể theo từng cụm, tỉnh, tổ chức chấm thi chung cụm, liên tỉnh, các vùng, miền. Cán bộ tham gia kỳ thi quốc gia này gồm cán bộ Sở GD-ĐT, trường THPT, trường ĐH, CĐ cùng tham gia. Ngoài ra, chúng ta làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính công bằng.

 

Thứ  trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết và sẽ giảm được áp lực xã hội

Đề thi sẽ phải đạt được 2 mục đích

PV: Xin Thứ trưởng cho biết, nếu tiến hành một kỳ thi THPT quốc gia, công tác ra đề thi phải đổi mới ra sao?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Kinh nghiệm những năm gần đây, đổi mới cách ra đề thi và thành công nhất là năm 2013, chúng ta đã ra đề thi phù hợp khả năng làm bài của học sinh, cũng như phân loại, giúp học sinh giỏi làm được điểm cao, học sinh trung bình làm được một phần bài thi của mình.

Bài thi có kết cấu phù hợp nên có thể đưa kiến thức cơ bản để sử dụng xét tốt nghiệp THPT và đưa kiến thức nâng cao, có tính phân loại, kiểm tra năng lực để sử dụng xét tuyển ĐH, CĐ.

Công tác ra đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vài năm gần đây cho phép chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, ra đề thi đạt 2 mục đích như kỳ thi quốc gia sắp tới.

Học sinh không nên quá lo lắng cho phương án thi mới

PV: Việc thay đổi cách thi cử sẽ ảnh hưởng thế nào đến thí sinh, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga:Trước hết, với cách học và dạy phổ thông chưa thay đổi gì. Dù thi theo môn hay thi tổng hợp bài nhiều môn, chưa yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức tích hợp. Nếu năm 2015 thi, các em học sinh không phải lo lắng, vì vẫn học như bình thường, chương trình sách giáo khoa vẫn thế, không thay đổi.

Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia rất có lợi cho thí sinh. Trước hết, các em chỉ thi một kỳ thi nhưng sử dụng kết quả đó để xét vào rất nhiều trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, các em thi xong, có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển. Vì vậy, tránh hoàn toàn rủi ro mà quy định của kỳ thi “3 chung” trước đây như: hồ sơ “ảo” tăng, nhiều trường có những ý kiến khác nhau về mức điểm sàn...

Đối với những học sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT, nếu năm tới tổ chức kỳ thi quốc gia, các em chỉ thi những môn liên quan mà mình đăng ký xét tuyển, còn những môn không liên quan, các em có quyền không thi vì không sử dụng kết quả ấy để công nhận tốt nghiệp THPT.

Vì vậy, cả về nội dung thi và cách thức sử dụng kết quả kỳ thi này đều có lợi cho thí sinh. Các em cứ yên tâm học tập, chắc chắn một kỳ thi quốc gia như vậy sẽ làm các em hài lòng hơn.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết, khi nào phương án cho một kỳ thi quốc gia được công bố?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Sau khi lấy ý kiến của Sở GD-ĐT, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo và tham khảo ý kiến dư luận xã hội, đặc biệt ý kiến của các em học sinh sẽ dự thi kỳ thi này, Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến ấy và chốt lại phương án cuối cùng để báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, phương án sẽ công bố sớm cho học sinh biết để thực hiện được trong năm 2015.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm