Cập nhật: 16/09/2014 16:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 09 tháng 9 năm 2014, UBND tỉnh có Chỉ thị Số10/CT-UBND về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và triển khai vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Nội dung Chỉ thị như sau:

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp & PTNT, tại Việt Nam đã phát hiện một số trường hợp dương tính với vi rút cúm A/H5N6 trên đàn gà nuôi tại Lạng Sơn và vịt nuôi tại Hà Tĩnh (đây là chủng vi rút cúm có tỷ lệ tương đồng trên 99% so với chủng vi rút cúm A/H5N6 gây tử vong trên người tại Trung Quốc). Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N6 và ngăn chặn các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm khác từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất vi rút cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, bảo vệ sản xuất chăn nuôi. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & PTNT tại Công điện số 6529/CĐ-BNN-TY ngày 14/8/2014 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm; văn bản số 6563/BNN- TY ngày 15/8/2014 về triển khai tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đợt 2/2014. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Chủ động triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo Kế hoạch số 237/KH - BCĐ ngày 15/01/2014 của BCĐ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014; trước mắt tập trung; chỉ đạo thực hiện kế hoạch số 4037/KH- BCĐ ngày 21/7/2014 của BCĐ tỉnh về tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 2/2014.

2. Tổ chức thông tin tuyên truyền cụ thể, chính xác về tình hình dịch cúm gia cầm H5N6 và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm khác, tác hại của dịch cúm gia cầm để mọi người dân tích cực tham gia phòng chống, tránh gây hoang mang trong xã hội.

3. Triển khai thực hiện tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trong tháng 9 năm 2014 gắn với tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2014; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện kịp thời và xử lý triệt để khi có ổ dịch phát sinh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn.

4. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào địa bàn để tiêu thụ, không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch của cơ quan thú y.

5. Yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị:

5.1. UBND các huyện, thành, thị:

- Tăng cường hoạt động của BCĐ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là ở cấp xã; phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo phụ trách địa bàn, xác định công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của địa phương.

- Tổ chức theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm đến thôn, xóm, hộ chăn nuôi, nhằm phát hiện nhanh, xử lý kịp thời, không để lây lan rộng; nghiêm cấm việc giấu dịch. Quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm trên địa bàn, yêu cầu các hộ không mua bán, tiêu thụ gia cầm ốm, chết, gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Triển khai tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc gắn với thực hiện kế hoạch số 4037/KH- BCĐ ngày 21/7/2014 của BCĐ tỉnh về tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 2/2014.

5.2. Sở Nông nghiệp & PTNT:

- Phối hợp thống nhất nội dung với UBND các huyện, thành, thị, sở, ngành liên quan để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm H5N6 và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm khác trên địa bàn; Kế hoạch công tác tiêm phòng vắc xin, khử trùng tiêu độc chuồng trại và môi trường chăn nuôi đợt 2 năm 2014 trên địa bàn tỉnh.   

- Chỉ đạo Chi cục Thú y và các đơn vị trực thuộc liên quan:

+ Đẩy mạnh công tác thông tin truyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng về tác hại và tính chất nguy hiểm của dịch bệnh cúm gia cầm để mọi người dân biết chủ động phòng, chống dịch.

+ Giám sát lâm sàng và lấy mẫu giám sát chủ động vi rút cúm trên gia cầm tại các chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu, tại các khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm ổ dịch, xử lý kịp thời không để lây lan rộng.

+ Thực hiện nghiêm túc( kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

+ Hướng dẫn nội dung, cách thức vệ sinh khử trùng tiêu độc cho cơ sở, hộ chặp nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; các chợ, tụ điểm buôn bán gia súc gia cầm trên địa bàn.

5.3. Sở Y tế: Chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch theo Kế hoạch phòng chống dịch cúm trên người của Bộ Y tế; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm bệnh cúm gia cầm H5N6 và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm khác, cách ly điều trị kịp thời không lây lan, ảnh hưởng; đến tính mạng và sức khỏe nhân dân.

5.4. Sở Công thương: Chủtrì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm bất hợp pháp vào địa bàn tỉnh (theo Đề án 2088 của Chính phủ). Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan thú y, công an, thanh tra giao thông đấu tranh xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

5.5. Các Sở, ban, ngành của tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo cơ quan liên quan trong hệ thống chủ động phối hợp với chính quyền các cấp và ngành Nông nghiệp & PTNT triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm lây sang người có hiệu quả.

6. UBMTTQ, các đoàn thể Chính trị, xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng, phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp & PTNT tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Yêu cầu Trưởng BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh: Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Giám đốc các sở, ngành; Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp huyện, xã và Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức liên quan chỉ đạo, chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chỉ thị này./.

 

 

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Phùng Quang Hùng

 

Tệp đính kèm