Cập nhật: 17/09/2014 10:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, các tỉnh miền núi phía Bắc đề phòng lũ quyét, sạt lở đất; các tỉnh đồng bằng Bắc bộ cần có biện pháp phòng chống ngập lụt ở vùng trũng, và các đô thị.

Ảnh nchmf phát lúc 17.00'

* Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, đặc biệt ở các huyện như: Bình Yên, Ba Chẽ, Tiên Yên; các nhánh suối thượng nguồn sông Kỳ Cùng thuộc huyện Đình Lập, huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn); Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang); Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang); Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, Sapa (tỉnh Lào Cai), Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái); Pắc Nậm, Ba Bể, Bạch Thông, Thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn); Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình, thành phố Thái Nguyên, Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên).

Cần có biện pháp phòng chống ngập lụt ở các vùng trũng, các đô thị ở Đồng bằng Bắc Bộ như: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.

* Hồi 16 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Hải Phòng – Quảng Ninh khoảng 220km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8 - 9, riêng khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) cấp 10 – 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 14 – 15, sóng biển cao 5 - 6m. Biển động dữ dội.

Tối nay vùng tâm bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, sau đó bão đi sâu vào đất liền và suy yếu thêm.

Đến 04 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định và các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương có gió mạnh cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 – 11, giật cấp 12 – 13.

Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8. Ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía Bắc có mưa to đến rất to.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.

Đến 16 giờ ngày 17/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc; 102,0 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ). Ở các tỉnh Bắc Bộ (bao gồm cả khu vực Tây Bắc Bắc Bộ) tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.

* Tại Quảng Ninh, được xác định là địa bàn nằm trong tâm bão nên công tác phòng chống bão của Quảng Ninh đã được triển khai vô cùng khẩn trương, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo khẩn cấp tất cả các ngành, địa phương ngay lập tức triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão với mốc thời gian ấn định là mọi việc đều phải xong trước 16 giờ chiều (trước 8 tiếng khi bão trực tiếp đổ bộ vào địa bàn).

Đến 16h30', ngày 16-9, các địa phương trong tỉnh đã sơ tán 10.735 người dân tại các khu vực nguy hiểm: Nuôi trồng thủy sản, nhà yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở… tới nơi tránh trú bão an toàn.

Trong đó, TX Quảng Yên sơ tán 2.680 người; TP Hạ Long 180 người; Vân Đồn 1.860 người, Móng Cái 268 người; Hải Hà 52 người; Cẩm Phả 1.520 người; Đầm Hà 64 người; Tiên Yên 4.111 người.

Toàn bộ tàu thuyền du lịch, tàu cá xa bờ, gần bờ của tỉnh cũng đã về nơi neo đậu an toàn. Đến 16 giờ chiều nay Quảng Ninh đã cơ bản hoàn tất công tác phòng chống bão số 3, sẵn sàng các biện pháp ứng phó kịp thời khi bão đổ bộ.

* Tại Hải Phòng, địa phương có nhiều khu công nghiệp tập trung, kho tàng bến bãi và các cảng và tàu thuyền lớn, thi công các công trình trọng điểm quốc gia. Đến thời điểm này, các tàu thuyền đã đưa vào nơi tránh trú an toàn.

Các cảng biển, kho tàng đã được chằng chống, chủ doanh nghiệp, nhà máy đã được chỉ đạo sản sàng đối phó khi bão đổ bộ và hoàn lưu sau bão. Đặc biệt là, cảng quốc tế Lạch Huyện, đường và cầu vượt biển, xây dựng sân bay Cát Bi, đường cao tốc Hải Phòng- Hà Nội.

 

Theo PV/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm