Cập nhật: 18/09/2014 10:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội tại các khu vực miền núi khó khăn, tạo điều kiện ổn định đời sống cho đồng bào, góp phần hạn chế tình trạng di cư tự phát.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định di cư tự phát là một trong những vấn đề lớn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Sáng 17/9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tọa đàm “Di dân tự phát - Thực trạng và giải pháp bố trí lại dân cư theo hướng phát triển bền vững”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc tới dự và phát biểu chỉ đạo.                

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, di dân tự phát là vấn đề tất yếu đặt ra của quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Những năm trở lại đây, tình trạng di dân tự phát giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Số lượng di dân tự do ở khu vực Tây Bắc vào địa bàn Tây Nguyên có nguyên nhân chính là vì lý do kinh tế. Người dân di chuyển từ vùng kém phát triển, điều kiện sản xuất khó khăn sang những nơi thuận lợi hơn.

Nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát, bố trí lại dân cư theo hướng phát triển bền vững, một số giải pháp được các đại biểu đề xuất như: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là ở vùng kinh tế khó khăn; tăng cường quản lý Nhà nước về dân cư; rà soát cụ thể, phân loại các đối tượng di dân để quy hoạch sắp xếp lại…

Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư cho những địa bàn khó khăn để đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, bố trí các nguồn vốn để thực hiện các dự án đã được Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế cho người dân, nhất là những vùng có tiềm ẩn nguy cơ di dân cư tự do cao.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định di cư tự phát là một trong những vấn đề lớn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội tại các khu vực miền núi khó khăn, tạo điều kiện ổn định đời sống cho đồng bào, góp phần hạn chế tình trạng di cư tự phát, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Những chương trình nổi bật như giải quyết vấn đề sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, các chương trình giảm nghèo. Với cố gắng đó, số hộ di dân tự do, đặc biệt là Tây Bắc, Tây Nguyên đã giảm hẳn so với trước đây.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách còn nhiều bất cập, tình trạng phá rừng xảy ở những vùng di dân tự do, nhất là việc bố trí vốn xây dựng hạ tầng nơi đến thiếu nghiêm trọng.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh để giải quyết vấn đề di dân tự do cần giải pháp đồng bộ trong đó, đặc biệt quan tâm việc động viên người dân không bỏ làng quê để di dân tự do vào các vùng khác.

Đặc biệt chủ trương đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, chăm lo tốt hơn cho dân an cư lập nghiệp để dân không muốn đi, dù còn khó khăn. Việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở đầu đi rất quan trọng cùng với việc giáo dục ý thức trách nhiệm, hệ thống chính trị vào cuộc vận động nhân dân nếu di cư phải có tổ chức, kế hoạch của Nhà nước.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, với Việt Nam vấn đề nóng nhất là di cư tự phát đối với đồng bào các dân tộc Tây Bắc vào Tây Nguyên phải tiếp cận giải quyết một cách tổng thể trong việc phân bổ lại dân cư, lao động một cách căn cơ, chủ động theo phát triển của quốc gia, các vùng các địa phương, vấn đề dịch chuyển lao động theo cơ cấu kinh tế, là quy luật tự nhiên. Nhiều ý kiến khuyến cáo giải quyết căn cơ bài toán này.

Về vấn đề di cư tự phát đang diễn ra, đặc biệt từ Tây Bắc vào Tây Nguyên, các đại biểu cho rằng, dù di cư có kế hoạch hay không thì vẫn phải giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật. Chúng ta không khuyến khích di cư tự phát, nhưng khi xảy ra, các cấp ủy đảng, chính quyền vẫn phải có trách nhiệm, đảm bảo điều kiện sống và sinh kế của người dân. Còn muốn giải quyết rốt ráo, cần phải đặt vấn đề giải quyết căn cơ chính sách chứ không thể coi là vấn đề hành chính.

Di cư tự do là vấn đề kinh tế trong các vấn đề xã hội, do đó, cần phải giải quyết ở cả nơi đi và nơi đến. Nhờ đó, từ năm 2009 đến nay, mức độ di cư tự do đã giảm dần.

Lê Sơn

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm