Ngày 8/9/2014, Ban chỉ đạo 389/VP tỉnh ban hành Kế hoạch số 5138/KH-BCĐ về Kế hoạch Tuyên truyền phổ biến pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nội dung Kế hoạch như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tích cực tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo an toàn thực phẩm.
2. Thông qua công tác tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của thương nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật từng bước thiết lập trật tự, kỷ cương hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
3. Phối hợp công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý thị trường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả
4. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật triển khai thực hiện sâu rộng nhưng phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, nội dung thiết thực, hình thức phù hợp, không gây phiền hà và có tính thuyết phục cao đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC TRIỂN KHAI
1. Nội dung
- Phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác.
- Thường xuyên thông tin kết quả công tác chống buôn lận, gian lận thương mại và hàng gỉa của các cơ quan, các lực lượng chức năng. Đồng thời, đưa tin những vụ việc vi phạm pháp luật do các lực lượng kiểm tra trên địa bàn tỉnh phát hiện, xử lý.
- Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng như công khai thông tin những biểu hiện tiêu cực của cán bộ, chiến sỹ, công chức thuộc các lực lượng chức năng trong thực thi công vụ.
2. Hình thức triển khai.
2.1. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Đài phát thanh và truyền tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thành phố, thị xã; Bản tin của các cơ quan, đơn vị chức năng.
2.2. Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có chức năng (Quản lý thị trường, Công an, Thanh tra chuyên ngành…) tuyên truyền vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, không sản xuất buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.
2.3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thông qua các hội nghị, cuộc họp triển khai công tác, thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, quán triệt đến công chức, người lao động về nội dung Luật phòng chống tác hại thuốc lá; yêu cầu 100% công chức, người lao động nghiêm túc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Không sử dụng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; không tiếp tay, bảo kê cho các hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi vi phạm luật khác.
2.4. Tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân kinh trên địa bàn tỉnh ký cam kết cụ thể:
- Đối tượng: Các trung tâm thương mại, Siêu thị; các cửa hàng kinh doanh có quy mô lớn; các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, mũ bảo hiểm cho người đi xe mo tô, sản xuất kinh doanh các mặt hàng thực phẩm; chăn, ga, gối, đệm,…
- Địa bàn: Chú trọng các địa bàn Thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Vĩnh Tường, huyện Yên Lạc, các Thị trấn, các Chợ và làng nghề.
- Nội dung cam kết: Không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.
2.5. Và băng các hình thức, phương pháp khác đảm bảo phù hợp, hiệu quả.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện: Từ nay đến hết 30 tháng 12 năm 2014.
2. Phân công thực hiện
2.1. Sở Công thương
- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đảm bảo dâu rộng tới mọi người dân, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của cuộc vận động cũng như chất lượng hàng Việt Nam, từ đó đẩy mạnh việc ưu tiên tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp.
- Phối hợp với Đài phát thành và truyền hình, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin điện tử thông tin, tuyên truyền kịp thời về việc vận động ký cam kết và hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thịn trường; đặc biệt các hoạt động xử lý, tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng, hoạt động chống buôn lậu thuốc lá điếu ngoại, hoạt động kiểm tra mũ bảo hiểm giả, hàng kém chất lượng, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm. Tuyên truyền phổ biến số điện thoại đường dây nóng về an toàn thực phẩm của lực lượng Quản lý thị trường.
- Đề xuất kinh phí thực hiện kế hoạch tuyên truyền, gửi Sở tài chính thẩm định trình UBND tỉnh quyết định.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường:
+ Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không đảm bảo an toan thực phẩm; chú trọng các mặt hàng; thuốc lá điếu ngoại, phân bón, mũ bảo hiểm, gia súc, gia cầm, xăng dầu. Kết hợp kiểm tra, kiểm soát với tuyên truyền hướng dẫn pháp luật tới tổ chức, cá nhân kinh doanh và vận động tổ chức cá nhân kinh doanh và vận động tổ chức cá nhân kinh doanh ký cam kết theo Kế hoạch số 7105/KH-BCT.
+ Nghiêm túc triển khai các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân tỉnh và Cục Quản lý thị trường về công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật, ký cam kết.
+ Phối hợp với Ban quản lý chợ tại các huyện, thành, thị tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tại các chợ không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và tích cực hưởng ứng, tham gia cuộc vận động “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
2.2. Ban An toàn giao thông.
- Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật và lợi ích của đội mũ bảo hiểm cho người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; cung cấp thông tin để người dân nhận biết rõ, không mua, bán và sử dụng các loại mũ không phải mũ bảo hiểm cho người ngồi đi mô tô, xe gắn máy; mũ không có đủ 3 lớp, không ghin nhãn “mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy” và không có dấu hợp quy CR theo Kế hoạch số 69/KH-UBATGTQG của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia.
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểu cho người đi xe mô tô, xe gắn máy; những quy định của pháp luật về xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy.
2.3. Công an tỉnh
- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra và xử lý cá vi phạm về đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, theo đúng quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở người đội mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô xe máy.
- Chỉ đạo lực lượng chức năng phát hiện, điều tra xác minh làm rõ đường dây, ổ nhóm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả có giá trị lớn để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời có trách nhiệm phối hợp hỗ trợ các cơ quan chức năng, các ngành trong việc kiểm tra, xử lý những vụ việc chống người thi hành công vụ và buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm theo quy định:
+ Chỉ đạo lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, có biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, điều tra tôi phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, buôn bán hàng cấm, kinh doanh trái phép, trốn thuế, hàng giả, gian lận thương mại theo quy định của Bộ Luật hình sự.
+ Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cảnh sát đường thủy chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, dừng phương tiện và bắt giữ các phương tiện vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên các tuyến giao thông.
2.4. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền về các văn bản quy phạm pháp luật, về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, những tác động xấu đối với kinh tế xã hội của hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.
2.5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chỉ đạo Chi cục tiêu chuẩn Đo lường chất lượng chủ trì phối hợp với các cơ quan: Công an, Quản lý thị trường quản lý tốt lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa và công tác giám định, thử nghiệm hàng hóa phục vụ tốt cho công tác đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.
- Chỉ đạo Thanh tra Sở chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ và xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu công nghiệp theo lĩnh vực được giao
2.6. Sở Tài chính
- Thẩm định kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Đề xuất chế độ chính sách hỗ trợ kinh phí đảm bảo điều kiện làm việc, thông tin liên lạc, phương tiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát cho các cơ quan chức năng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2.7. Đài phát thanh và truyền hình, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin điện tử.
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại như Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử hữu công nghiệp, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Ưu tiên bố trí thời điểm và thời lượng đưa tin để tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, hàng giả và hàng gian lận thương mại của các lực lượng chức năng. Nêu các gương điển hình người tốt, việc tốt, đồng thời đưa tin ngay các vụ việc vi phạm bị các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.
2.8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã.
Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp và tạo điều kiện để Chi cục quản lý thị trường và các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo nội dung và hình thức của kế hoạch này.
IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Các sở, ban, ngành thường xuyên báo cáo các việc triển khai thực hiện kế hoạch của đơn vị, cũng như những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị về thường trực Ban chỉ đạo 389 Vĩnh Phúc (Sở Công thương) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng Ban chỉ đạo 389 xem xét chỉ đạo giải quyết.
Kết thúc thời gian thực hiện, giao cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Vĩnh Phúc chủ trì tổng hợp xây dựng báo cáo sơ kết và đề ra phương hướng nhiệm vụ thời gian tiếp theo.
|
TM. BAN CHỈ ĐẠO 389 TỈNH TRƯỞNG BAN
(đã ký)
PHÓ CHỦ TỊCH TỈNH
Lê Duy Thành
|