Ngày 11/9/2014, UBND tỉnh ra Chỉ thị số 11/CT-CT V/v tăng cường các biện pháp kiểm soát tải trong xe ô tô vận chuyển hàng hoá trên các tuyến đường giao thông tỉnh Vĩnh Phúc. Nội dung chỉ thị như sau:
Trong những năm qua, hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư xây dựng và duy tu sửa chữa, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, tình trạng phương tiện chở hàng quá tải trọng diễn ra khá phổ biến, làm hư hỏng, xuống cấp các tuyến đường, gây cản trở quá trình tham gia giao thông của các phương tiện và lãng phí kinh phí đầu tư, sửa chữa… Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là người điều khiển phương tiện giao thông cố tình không chấp hành quy định của pháp luật; công tác tuần tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa quyết liệt, thường xuyên; chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa tích cực, có hiện tượng buông lỏng quản lý.
Để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia về tăng cường thực hiện các giải pháp siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ, cương quyết lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động vận tải hàng hoá trên đường bộ, không để tình trạng xe ô tô chở hàng hoá quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các ngành, các địa phương thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
1. Sở Giao thông vận tải:
Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quân đội trong hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe; duy trì phối hợp với lực lượng công an trong công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về tải trọng trên các tuyến đường được giao quản lý. Thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm, kiểm tra tải trọng xe.
Rà soát cắm đủ các biển hạn chế tải trọng cầu, đường bộ đối với các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý; hướng dẫn UBND huyện, thành, thị tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng cho phép của cầu, đường bộ trên các tuyến đường huyện, đường xã, công bố tải trọng khổ giới hạn đối với các tuyến đường.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xe ô tô chở quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường phân cấp quản lý và để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Giám đốc Sở Giao thông vận tải quy định trách nhiệm của cá nhân, đơn vị chức năng thuộc quyền quản lý và trách nhiệm của Trạm trưởng Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động nếu để xe quá tải đi qua trạm mà không bị dừng, kiểm tra và xử lý vi phạm.
2. Công an tỉnh:
Xây dựng Kế hoạch cụ thể để chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại các điểm đặt trạm cân và trên các tuyến đường thường có xe quá tải, quá khổ đi qua, các tuyến đường có cầu yếu, các tuyến ra, vào đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các tuyến đường mà phương tiện chở hàng quá tải đi qua để trốn tránh vị trí đặt Trạm kiểm tra tải trọng.
Chỉ đạo Công an các huyện, thành, thị tổ chức công tác tuần tra kiểm soát giao thông khép kín các tuyến đường được phân cấp; phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông sử dụng Bộ cân kiểm tra tải trọng xách tay, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm về tải trọng trên địa bàn quản lý.
Chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ nắm tình hình, phát hiện xử lý nghiêm hành vi móc ngoặc, hối lộ để dẫn xe vượt hoặc né tránh Trạm kiểm tra tải trọng xe, các đối tượng có hành vi chống đối, phá hoại Trạm kiểm tra tải trọng xe. Không để tình trạng “cò mồi”, bảo kê hoặc đe doạ sự an toàn tại các trạm cân. Quản lý cán bộ chiến sĩ không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
Giám đốc Công an tỉnh chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xe ô tô chở quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường được phân cấp thưc hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, giữ gìn trật tự an toàn giao thông thuộc địa giới hành chính của tỉnh và việc để cán bộ chiến sỹ sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ. Giám đốc Công an tỉnh phân cấp quản lý các tuyến đường và quy định về trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị chức năng liên quan thuộc quyền quản lý.
3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã.
Chỉ đạo lực lượng Công an và các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý triệt để đối với các trường hợp xe tô chở hàng hoá quá tải trọng, quá khổ lưu thông trên các tuyến đường do địa phương quản lý.
Tổ chức tuyên truyền và yêu cầu các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp khai thác, vận chuyển khoáng sản, kinh doanh vật liệu xây dựng, các chủ phương tiện trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định về tải trọng xe trên đường bộ. Tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng của cầu đường bộ trên các tuyến đường huyện, đường xã theo quy định.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xe ô tô chở quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn được phân công quản lý và nếu để xảy ra các sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Chủ tịch UBND cấp huyện quy định trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND cấp xã nếu để xe ô tô chở quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn được phân công, phân cấp quản lý và xử lý vi phạm.
4. Sở Thông tin và Truyền thông.
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đặc biệt là các quy định của pháp luật về tải trọng xe, xếp hàng hoá trên xe ô tô; thiệt hại do xe quá tải gây ra; chủ trương của Chính phủ về kiểm soát, xử lý tải trọng xe; biểu dương các điển hình tốt và phê phán các hành vi vi phạm; cung cấp thông tin, đưa tin về các hiện tượng, các vấn đề tiêu cực trong triển khai thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ…
5. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:
Chỉ đạo các tổ chức thành viên, Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành, thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và vận động hội viên tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trong vận tải hàng hoá trên đường bộ, thông báo đến Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải qua điện thoại đường dây nóng hoặc bằng văn bản; đồng thời tăng cường giám sát hoạt động của lực lượng chức năng, góp phần ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực khi thực thi nhiệm vụ.
6. Phân công trách nhiệm chỉ đạo quản lý và xử lý vi phạm về tải trọng đối với các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
- Quốc lộ 2A: Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.
- Quốc lộ uỷ thác (2B, 2C): Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc Công an tỉnh.
- Đường tỉnh: Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND cấp huyện.
- Đường huyện: Chủ tịch UBND cấp huyện.
- Đường xã: Chủ tịch UBND cấp xã.
- Đường nội thị: Chủ tịch UBND thành phố, thị xã; Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đối với tuyến phân cấp theo Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND ngày 23/5/2012.
- Đường giao thông nông thôn: Chủ tịch UBND cấp xã đối với tuyến xã; Chủ tịch UBND cấp huyện đối với tuyến huyện.
- Đường nội đồng: Chủ tịch UBND cấp xã.
7. Ban An toàn Giao thông tỉnh: Có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thành viên tổ chức kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này; tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả thực hiện theo quy định.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(đã ký)
Vũ Chí Giang
|