Vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo giới thiệu Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Tặng xe lăn cho người khuyết tật ở Lai Châu. (Ảnh: Công Hải/TTXVN)
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, Việt Nam là nước có tỷ lệ người khuyết tật cao thứ tư trong số các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chiếm 7,8% dân số, tương đương với 6,7 triệu người.
Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến người khuyết tật nhằm bảo đảm các quyền của người khuyết tật, hỗ trợ họ cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao vị thế xã hội để hòa nhập cộng đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng nêu rõ Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật là Công ước quốc tế toàn diện nhất trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
Đến nay, 158 quốc gia trên thế giới đã ký Công ước, trong đó 147 quốc gia phê chuẩn Công ước này.
Việt Nam đã đăng ký Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật ngày 22/10/2007 nhưng chưa phê chuẩn Công ước.
Việc phê chuẩn Công ước là thủ tục bắt buộc để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước, có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ thực hiện Công ước theo quy định tại Điều 45 của Công ước về hiệu lực của Công ước Quyền của người khuyết tật và Điều 70 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật có ý nghĩa quan trọng trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và xã hội.
Việc phê chuẩn Công ước thể hiện tư tưởng về tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật được quy định trong Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã được Quốc hội đã ban hành như Luật người khuyết tật, Bộ Luật Lao động, Bộ Luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật Bảo hiểm y tế…
Với 50 Điều, mục đích của Công ước về Quyền của người khuyết tật là nhằm thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm người khuyết tật được hưởng đầy đủ, bình đẳng tất cả quyền con người, quyền tự do cơ bản, thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của họ.
Công ước được áp dụng theo 8 nguyên tắc bao gồm tôn trọng phẩm giá vốn có, sự tự chủ của cá nhân; không phân biệt đối xử; sự tham gia đầy đủ, hiệu quả, hòa nhập với xã hội; tôn trọng và chấp nhận người khuyết tật như một phần của sự đa dạng của nhân loại và nhân văn; bình đẳng về cơ hội; tiếp cận; bình đẳng giữa nam và nữ; tôn trọng những khả năng đang phát triển của trẻ khuyết tật, quyền của trẻ khuyết tật được bảo vệ nét riêng biệt của mình.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã chủ trì thẩm tra đề xuất của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Công ước.
Với ba phiên làm việc, hội thảo nhằm chuẩn bị cho công tác thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội hiểu rõ hơn về những nội dung cơ bản của Công ước về Quyền của người khuyết tật.
Thông qua hội thảo, các đại biểu sẽ hiểu rõ hơn về thực trạng tình hình người khuyết tật ở Việt Nam, các chính sách đối với người khuyết tật; sự tương thích của Công ước với hệ thống pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; lộ trình thực hiện chính sách đối với người khuyết tật, cũng như các thuận lợi, khó khăn trong vấn đề tổ chức thực thi Công ước./.
PHÚC HẰNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/gioi-thieu-cong-uoc-cua-lhq-ve-quyen-cua-nguoi-khuyet-tat/282884.vnp