Cập nhật: 09/10/2014 08:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để người Việt dùng hàng Việt, điều quan trọng là phải đẩy lùi được hàng Trung Quốc, hàng nước ngoài kém chất lượng

(ảnh: internet)

Tẩy chay hàng ngoại kém chất lượng

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo  Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới đây, tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm tốt để cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt phát huy hiệu quả. Đó là Chính phủ đã vào cuộc với các chương trình hành động cụ thể. Cùng với đó, sau sự cố giàn khoan Hải Dương 981, tinh thần yêu nước của người dân được đẩy lên cao. Tự mỗi người Việt Nam ý thức được trách nhiệm dùng hàng Việt. Hơn nữa, nhiều sự việc xảy ra liên quan đến chất lượng hàng hóa Trung Quốc ảnh hưởng tới môi trường sức khỏe ở một số nước trên thế giới cũng là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian tới.

Ông Lộc cho rằng, để làm được những việc này, cần đặc biệt chú ý đến các hàng rào kỹ thuật. “Để người Việt dùng hàng Việt, điều quan trọng là phải làm sao đẩy lùi được hàng Trung Quốc kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong thời gian vừa rồi, hàng rào kỹ thuật của chúng ta, kể cả trong quy định của Nhà nước và các biện pháp thực thi, làm chưa tốt. Chính vì vậy hàng Trung Quốc tràn vào với giả rẻ, chất lượng không cao, ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Hàng Trung Quốc tràn vào đã ảnh hưởng tới việc người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt Nam”.

Theo ông Lộc, một điều quan trọng nữa là không chỉ vận động người tiêu dùng mới dùng hàng Việt, mà chính trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt cũng nên dùng hàng của nhau. “Chúng tôi đã triển khai và sẽ tiếp tục triển khai các thị trường nội bộ trong các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. Phát triển được thị trường này, với các cơ chế thích hợp sẽ đẩy mạnh được việc doanh nghiệp Việt dùng hàng của doanh nghiệp Việt. Đây là một đầu ra rất quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam”- ông Lộc cho biết.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng cho rằng, nếu đẩy lùi được các hàng hóa nước ngoài kém chất lượng, không chỉ nói riêng hàng Trung Quốc, là cơ hội tốt để người Việt dùng hàng Việt.

“Phải tuyên truyền để người tiêu dùng biết thông tin về hàng nước ngoài kém chất lượng để người dân tự tẩy chay những mặt hàng này. Lâu nay công tác tuyên truyền về vấn đề này còn ít. Hiện nay trên thị trường hàng không có nhãn mác, thức ăn không rõ nguồn gốc để lâu không hỏng mà người tiêu dùng vẫn mua”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Cốt lõi vẫn là ở các doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam cho rằng, để cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đi vào cuộc sống, thì gốc rễ của vấn đề phụ thuộc vào sự lớn mạnh của nền kinh tế Nhà nước, trình độ sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. “Đây là một cuộc chiến lâu dài và còn khá nặng nề. Để có kết quả tốt hơn cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị”.

Theo ông Cường, trong điều kiện hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp Việt phải chấp nhận sự cạnh tranh. Tâm lý của người tiêu dùng, họ ưu tiên đầu tiên là “túi tiền” của mình rồi mới quan tâm đến vấn đề khác. Hiện nay, người tiêu dùng còn rất nhiều vấn đề phân vân, không biết hàng nào là hàng tốt, hàng chính hãng? Cũng thương hiệu đó nhưng lại bị lẫn lộn với hàng Trung Quốc, hàng nước ngoài, hay hàng ngoại cũng lẫn lộn nhãn mác… “Điều này liên quan đến công tác quản lý các hàng rào kỹ thuật như thế để đảm bảo cho sự lựa chọn của người tiêu dùng được thuận lợi”.

Ông Cường cho rằng, để đẩy mạnh cuộc vận động, trong thời gian tới cần tập trung tập trung vai trò của nhà sản xuất. Họ phải sản xuất ra các hàng hóa có chất lượng để phục vụ cho xã hội và người tiêu dùng. “Nói gì đi nữa nhưng nhưng nếu cùng 1 chủng loại, cùng 1 loại hàng, nhưng hàng trong nước sản xuất ra chất lượng kém hơn, giá bằng hoặc cao hơn, dịch vụ, phục vụ phiền hà hơn… trong khi hàng ngoại ưu thế hơn thì làm sao vận động được người dân ưu tiên dùng hàng Việt. Gốc gác vẫn phải là nâng cao được trình độ của nhà sản xuất, ít nhất là bằng so với bên ngoài. Có như thế hàng hóa Việt Nam mới cạnh trạnh được với hàng ngoại nhập và khi đó mới vận động được người Việt dùng hàng Việt”.

Cùng với đó, phải nâng cao công tác tuyên truyền quảng bá, vận động, chỉ dẫn… để người tiêu dùng hiểu ưu thế của hàng Việt. Các biện pháp hỗ trợ đi kèm cũng phải được quan tâm đúng mức là công tác quản lý thị trường, bảo vệ được thương hiệu trong nước; các hàng rào kỹ thuật để tránh lẫn lộn mẫu mã, thương hiệu.

“Chính phủ cũng cần tăng cường chỉ đạo, có chính sách hộ trợ các doanh nghiệp về vốn, kỹ thuật để tạo điều kiện cho họi đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm…” – Ông Cường nói.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, việc nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt là vấn đề cốt lõi. Bên cạnh việc phát động người Việt dùng hàng Việt, điều quan trọng nhất là phải thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được hàng hóa “made in Việt Nam” với chất lượng cao nhất.

“Tinh thần  tự hào dân tộc không chung chung nữa, mà trong bối cảnh mới, phải kết tinh được tinh thần này vào trong hàng Việt chất lượng cao để hàng Việt không chỉ dùng ở Việt Nam và thế giới dùng cũng hàng Việt. Ở đây, vai trò của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng”- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh: “Người Việt chỉ ưu tiên dùng hàng Việt khi hàng Việt tốt, còn không tốt thì khó mà ưu tiên được. Phải phấn đấu để hàng Việt chất lượng tốt. Nếu chất lượng ngang nhau, giá ngang nhau thì cộng thêm lòng yêu nước của người tiêu dùng, hàng Việt Nam sẽ thắng. Còn khi đã không tốt, thì sẽ rất khó để vận động người Việt dùng hàng Việt”./.

 

Theo Minh Hòa/VOV.VN

Tệp đính kèm