Cập nhật: 10/10/2014 09:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đây là một trong những căn cứ pháp lý khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Vừa qua tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), Tổ chức Hội trợ giúp Người khuyết tật Việt Nam (VNAH) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo về Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về quyền của Người khuyết tật.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ LĐTBXH và VNAH, nhằm hoàn thiện và đảm bảo thực thi chính sách pháp luật về người khuyết tật. Từ năm 2007 đến nay, tổ chức VNAH và USAID đã tích cực hợp tác và hỗ trợ Bộ LĐTBXH cùng các Bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng và hoàn thiện các báo cáo nghiên cứu pháp luật, báo cáo rà soát so sánh và đề xuất phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng như nội dung và sự cần thiết phê chuẩn Công ước, sự tương thích của Công ước với hệ thống pháp luật và chính sách của Việt Nam, tác động của việc phê chuẩn Công ước, trách nhiệm của quốc gia khi phê chuẩn Công ước, vai trò của các Bộ ngành liên quan và tổ chức của người khuyết tật trong việc thực thi Công ước.

Các đại biểu nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế. Việc phê chuẩn Công ước góp phần nâng cao vị thế và vai trò thành viên có trách nhiệm của Việt Nam đối với LHQ, cũng như khẳng định chính sách đúng đắn của Nhà nước ta đối với người khuyết tật. Đồng thời việc phê chuẩn Công ước là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật và đảm bảo thực hiện chính sách đối với người khuyết tật tại Việt Nam.

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH cho biết, Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 13/12/2006. Đây là một trong những điều ước quốc tế quan trọng về nhân quyền, đề cập đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật cũng như nghĩa vụ của quốc gia thành viên trong việc bảo vệ và thúc đẩy thực hiện các quyền này. Với 50 Điều, mục đích của Công ước về quyền của người khuyết tật nhằm thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm người khuyết tật được hưởng đầy đủ, bình đẳng tất cả quyền con người, quyền tự do cơ bản, thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của họ.

Tính đến tháng 9/2014, trên thế giới đã có 158 quốc gia ký Công ước quyền của người khuyết tật, 150 quốc gia đã phê chuẩn Công ước này. Trong khối ASEAN, hiện nay đã có 8 nước phê chuẩn Công ước, 2 nước đã ký Công ước nhưng chưa phê chuẩn là Việt Nam và Brunei.

Việt Nam đã ký kết Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật ngày 22/11/2007. Việc phê chuẩn Công ước là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, thể hiện tư tưởng về tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật đã được quy định trong Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội và Chính phủ ban hành./.

 

Theo Lại Thìn/VOV.VN

Tệp đính kèm