Thay vì hình thức “cho không” như hiện nay, chính sách hỗ trợ hộ nghèo sẽ được xây dựng theo hướng tăng cường các hình thức tạo sinh kế, cho vay lãi suất thấp để người nghèo chủ động vươn lên.
Chính sách giảm nghèo sẽ hướng đến tăng cường sinh kế, giúp người nghèo chủ động vươn lên. Ảnh minh họa
Đây là khẳng định của Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo Đào Trọng Thi tại tọa đàm Định hướng giảm nghèo bền vững đến năm 2020 do Bộ LĐTB&XH tổ chức mới đây.
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu mỗi năm phải giảm nghèo được 2% cho cả nước, các hộ cận nghèo ít nhất phải giảm được 4%. Từ 2011 đến nay, về cơ bản, mục tiêu trên đã đạt được. Đến năm 2015, Nghị quyết 16 của Quốc hội đưa tỉ lệ nghèo xuống dưới 5%. Bộ LĐTB&XH dự đoán mục tiêu sẽ xuống dưới 5% năm 2015 là trong khả năng.
Thời gian vừa qua, mặc dù khó khăn về kinh tế nhưng Chính phủ vẫn đảm bảo chương trình mục tiêu quốc gia đủ nguồn lực theo kế hoạch đã định. Yêu cầu đặt ra là cần tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cộng đồng, nhất là người nghèo, giúp họ tận dụng cơ hội từ các chính sách, phát huy sự chủ động của bản thân và gia đình để thoát nghèo.
Ông Đào Trọng Thi cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, thách thức. Cụ thể, mức sống giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo vẫn chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỉ lệ cận nghèo tăng mà chưa có giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, số liệu công bố mới của Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê cho thấy hệ số chênh lệch này đã tăng từ 8,1 năm 2002 lên 9,4 năm 2012.
Chia sẻ về những chính sách giảm nghèo trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 chương trình giảm nghèo vẫn được tiếp tục triển khai và được xác định là chương trình mục tiêu quốc gia trọng điểm cùng với chương trình nông thôn mới. Giảm nghèo là nhiệm vụ lâu dài, cần đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Việc xác định “người nghèo” không chỉ dựa trên tiêu chí thu nhập mà còn phải dựa trên cơ sở của cái nghèo đa chiều. Đó là các vấn đề như chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, nhu cầu thông tin. Đấy là những nhu cầu cơ bản nhất để xét các chiều nghèo đói của một hộ gia đình hay là một khu dân cư, một địa phương cụ thể từ đó thiết kế lại chính sách, đảm bảo chọn đúng đối tượng. Đặc biệt, cần thúc đẩy, khắc phục phục tình trạng dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm trong chính sách giảm nghèo.
Trong thời gian tới, việc điều tra, rà soát hộ nghèo cũng sẽ không tiến hành theo định kỳ hằng năm mà thực hiện điều tra vào các năm 2015, 2018 và 2020. Như vậy, việc thực hiện chính sách sẽ có điều kiện gắn với từng đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng tăng khiến người nghèo có thêm cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo.
Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng sẽ được nghiên cứu để tăng thêm. Bên cạnh đó, sẽ có sự điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Thu Cúc
Theo Chinhphu.vn