Cập nhật: 22/10/2014 09:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 10 tháng 10 năm 2014, UBND tỉnh ban hành kế hoạch Số: 6004/KH-UBND về Tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tỉnh Vĩnh Phúc tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ IV. Nội dung kế hoạch như sau:

Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng; Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 13/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng; Kế hoạch số 13/KH-HĐTĐKT ngày 03/6/2014 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về tổ chức Đại hội Thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX; Hướng dẫn số 1700/HD-BTĐKT ngày 17/7/2014 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương về hướng dẫn tổ chức Đại hội Thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tỉnh Vĩnh Phúc tiến tới Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ IV, như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

- Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp nhằm đánh giá đúng kết quả và tác dụng của phong trào thi đua từ sau Hội nghị điển hình tiên tiến năm 2010 đến nay; chỉ ra những hạn chế cần khắc phục đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong những năm tới.

- Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, qua đó ghi nhận thành tích của các tập thể, cá nhân và tiếp tục vận động các tập thể, cá nhân hưởng ứng, tích cực tham gia các phong trào thi đua, phát huy mạnh mẽ nội lực, tạo động lực mới thi đua thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

- Thông qua Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp rút ra bài học kinh nghiệm trong tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, kinh nghiệm về xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến ở cơ sở; tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua và công tác khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34/CT-TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 13/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng; các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

2. Yêu cầu

- Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương phải làm rõ mục tiêu phấn đấu, nội dung các phong trào thi đua tập trung vào việc đảm bảo phát triển kinh tế- xã hội bền vững, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, coi trọng phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và dịch vụ; tập trung huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới; các biện pháp thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo bền vững, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng vững chắc; hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Đại hội Đảng các cấp.

- 100% các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các huyện, thành phố, thị xã; các đơn vị cơ sở và doanh nghiệp tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến.

- Tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp phải đảm bảo trang trọng, thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức.

II. NỘI DUNG

1. Công tác chỉ đạo

Các sở, ban, ngành, đoàn thể; các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị cơ sở, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ nay đến Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp và Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ IV cần tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung sau:

          1.1. Phát động phong trào thi đua sâu rộng, tạo được khí thế thi đua sôi nổi trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng “Tập trung về cơ sở”. Chú trọng phát động các phong trào thi đua một cách thiết thực, hiệu quả; cần chọn phong trào mang tính trọng tâm, trọng điểm bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của ngành, đơn vị, địa phương. Tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, phức tạp của địa phương, đơn vị. Các phong trào thi đua gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015. Trên cơ sở đó, từng cơ quan, đơn vị và địa phương cần xây dựng kế hoạch, biện pháp thi đua cụ thể, góp phần lập thành tích thiết thực hướng tới kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 65 năm ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc (12/02/1950 - 12/02/2015); chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và những ngày kỷ niệm lớn trong năm 2014, 2015.

          1.2. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền với chủ đề “Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước”; những điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước, trong thực hiện Chỉ thị 03-TC/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục việc đẩy mạnh và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng và tăng cường hoạt động tôn vinh điển hình tiên tiến gắn với các ngày lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước, của tỉnh trong năm 2014, 2015. Các các cơ quan thông tin đại chúng mở các chuyên mục, chuyên trang và tăng thời lượng cho tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội với hình thức và nội dung phong phú, giáo dục truyền thống thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1.3. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng; Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 13/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung  một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013; Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 về quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thực hiện đến các cấp, các ngành, các địa phương để thống nhất tổ chức, thực hiện; nâng cao nhận thức và chấp hành các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Xây dựng các văn bản cụ thể để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng ở cơ quan, đơn vị, địa phương để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

          1.4. Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm được tổng kết qua các phong trào thi đua tiến hành phổ biến, giới thiệu học tập, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Bên cạnh những điển hình đã có, chú trọng phát hiện các điển hình và nhân tố mới thực sự nổi trội trong các phong trào thi đua yêu nước, được quần chúng, tập thể suy tôn để có kế hoạch bồi dưỡng và đề nghị các hình thức khen thưởng phù hợp, xứng đáng. Đồng thời, lựa chọn đại biểu đi dự Đại hội Thi đua cấp tỉnh theo số lượng được giao.

          1.5. Thực hiện tốt công tác khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, tránh khen thưởng tràn lan. Quan tâm khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, các đối tượng ở cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Tập trung giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến.

          2. Hình thức và thời gian tổ chức

2.1. Đối với cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn; các đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành; các doanh nghiệp)

a. Hình thức: Tổ chức “Hội nghị điển hình tiên tiến”; “Hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt”; “Hội nghị biểu dương những người lao động giỏi, lao động sáng tạo” (hình thức cụ thể do đơn vị lựa chọn, quyết định).

b. Nội dung: Tổng kết phong trào thi đua yêu nước của địa phương, đơn vị trong 5 năm (2010-2015) và biểu dương người tốt, việc tốt, người lao động giỏi, lao động sáng tạo.

c. Số lượng đại biểu:

+ Đối với đơn vị cơ sở có số lượng dưới 200 cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nông dân, người lao động thì tổ chức hội nghị toàn thể.

+ Đối với đơn vị cơ sở có số lượng trên 300 cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nông dân, người lao động thì tổ chức Hội nghị đại biểu, số lượng không quá 200 đại biểu.

d. Thành phần, cơ cấu đại biểu:

+ Bao gồm các đại biểu là các điển hình tiên tiến xuất sắc, trong đó số lượng đại biểu là: công nhân, nông dân, người trực tiếp sản xuất, công tác; nghiên cứu khoa học; những người lao động giỏi, lao động sáng tạo; gương người tốt, việc tốt chiếm 70% trong tổng số đại biểu triệu tập. Cơ cấu đại biểu hợp lý các thành phần, dân tộc, tôn giáo, đại biểu nữ...

+ Đại biểu khách mời và đại diện lãnh đạo các cấp, các ngành có liên quan chiếm 30%.

đ. Thời gian tổ chức hội nghị: 1/2 ngày, tiến hành và hoàn thành trong quý I năm 2015.

2.2. Cấp huyện, thành phố, thị xã; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh

a. Hình thức: Tổ chức “Hội nghị điển hình tiên tiến”.

b. Nội dung: Tổng kết phong trào thi đua yêu nước của đơn vị, địa phương, của ngành trong 5 năm (2010-2015); tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc.

c. Số lượng đại biểu: Không quá 300 đại biểu.

d. Thành phần, cơ cấu đại biểu:

+ Đại biểu dự hội nghị điển hình tiên tiến là những người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, công tác, là tấm gương điển hình tiên tiến do tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của đơn vị cơ sở lựa chọn theo sự phân bổ đại biểu của cấp trên; chú trọng lựa chọn người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, nghiên cứu khoa học, đại biểu nữ, dân tộc, tôn giáo, đại biểu trẻ tuổi, các điển hình tiên tiến, đại biểu đại diện các thành phần kinh tế; số lượng đại biểu chiếm 70% trong tổng số đại biểu triệu tập.

+ Đại biểu là khách mời và đại biểu lãnh đạo chiếm 30% trong tổng số đại biểu triệu tập.

đ. Thời gian tổ chức hội nghị: 01 ngày, hoàn thành trong quý I năm 2015.

2.3. Đối với Đại hội thi đua cấp tỉnh

- Hình thức: Tổ chức “Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ IV”.

- Thời gian tổ chức Đại hội: dự kiến từ 1 đến 2 ngày, tiến hành trong quý II năm 2015 (Có kế hoạch cụ thể riêng).

2.4. Chương trình hội nghị (cấp cơ sở, cấp huyện, doanh nghiệp và sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh)

- Văn nghệ chào mừng.

- Chào cờ.

- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

- Khai mạc.

- Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm (2010-2015).

- Báo cáo tham luận của các điển hình tiên tiến.

- Đại biểu cấp trên phát biểu (nếu có).

- Biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến (trao tặng các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc cấp trên).

- Phát động thi đua.

- Bế mạc hội nghị.

3. Trang trí khánh tiết

3.1. Maket chính:

    - Đối với cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, các đơn vị sự nghiệp thuộc các Sở, ngành, các doanh nghiệp): Tên của maket chữ chọn 1 trong 03 tên sau: “Hội nghị điển hình tiên tiến”, “Hội nghị biểu dương gương người tốt việc tốt”, “Hội nghị biểu dương những người lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Ví dụ (đối với lựa chọn tên: Hội nghị điển hình tiên tiến):

 

 

 

HỘI NGHỊ

ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN XÃ…………………LẦN THỨ…..

hoặc  ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN CÔNG TY……………….LẦN THỨ…..

                                                     …….., ngày… tháng…năm 2015

 

 

-  Đối với cấp huyện, sở, ban, ngành, đoàn thể: Tên maket chữ: “Hội nghị điển hình tiên tiến”:

 

                                           

 

HỘI NGHỊ

 ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN HUYỆN……. LẦN THỨ…

hoặc  ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN NGÀNH GIÁO DỤC LẦN THỨ…

                                                        …….., ngày… tháng…năm 2015

 

 3.2. Một số trang trí khác:

- Trên sân khấu có tượng Bác Hồ đặt trên bục, vị trí trang trọng.

- Trong hội trường treo 02 khẩu hiệu mang ý nghĩa hành động, động viên cổ vũ phong trào thi đua (khẩu hiệu treo dọc hai bên tường do đơn vị tự thiết kế).

- Ngoài hành lang hội trường có thể trưng bày một số hình ảnh hoặc những sản phẩm vật chất và tinh thần đạt được từ các phong trào thi đua.

- Tùy thuộc vào điều kiện thực tế, trên sân khấu có thể trang trí các bình hoa; màn hình chiếu các phóng sự, tư liệu, hình ảnh… cho hài hòa, phù hợp.

4. Một số nội dung trọng tâm của Hội nghị điển hình tiên tiến

4.1. Báo cáo tổng kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng 5 năm (2010-2015) và phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng 5 năm (2015-2020) cần tập trung đánh giá làm rõ nội dung sau:

a. Phần tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng:

- Đánh giá công tác lãnh đạo, đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của cấp ủy Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 13/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng.

- Đánh giá công tác chỉ đạo của chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng và chấp hành việc thực hiện Luật thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành của Trung ương, của tỉnh và cấp trên về công tác thi đua, khen thưởng ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Đánh giá kết quả đạt được của các phong trào thi đua yêu nước từ năm 2010 đến nay; nêu rõ các phong trào thi đua tiêu biểu và các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; đánh giá tác động, tính thiết thực, hiệu quả của các phong trào thi đua đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm (2010-2015).

- Kết quả công tác khen thưởng: Phân tích kết quả, chất lượng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, việc khen thưởng đối với người lao động trực tiếp, công nhân, nông dân ở cơ sở.

- Những hạn chế; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm (đánh giá khách quan, chính xác, rõ dàng, cụ thể).

b. Phần phương hướng, nhiệm vụ:

- Xác định phương hướng, mục tiêu chung của phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong 5 năm (2015-2020).

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và các giải pháp chủ yếu.

- Những nội dung chủ yếu đẩy mạnh các phong trào thi đua và công tác khen thưởng để thực hiện nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Yêu cầu chung của báo cáo: Thông qua việc đánh giá kết quả của các phong trào thi đua yêu nước để biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; phân tích đánh giá tác dụng của phong trào thi đua đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm chủ yếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc động viên, tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở cơ sở.

4.2. Báo cáo tham luận của các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến

a. Báo cáo điển hình phải được lựa chọn đảm bảo cơ cấu hợp lý; kết hợp giao lưu với các điển hình tiên tiến, minh họa bằng hình ảnh (nếu có). Nên lựa chọn những tập thể, cá nhân là những điển hình mới, sáng tạo trong lao động, sản xuất và công tác.

b. Số lượng báo cáo tùy thuộc vào thời gian hội nghị (lựa chọn các báo cáo có tính chất điển hình cao, có tác dụng nêu gương, giáo dục) đồng thời bảo đảm tính đại diện các lĩnh vực, các thành phần, đối tượng đại biểu tiêu biểu.

4.3. Công tác khen thưởng

a. Khen thưởng cấp cơ sở:Các cơ quan, đơn vị, địa phương lựa chọn và khen thưởng theo thẩm quyền quy định đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua để biểu dương, khen thưởng tại “Hội nghị điển hình tiên tiến”; “Hội nghị biểu dương người tốt việc tốt” hoặc “Hội nghị biểu dương những người lao động giỏi, lao động sáng tạo”.

 b. Khen thưởng cấp tỉnh: Các cơ quan, đơn vị, địa phương lựa chọn các điển hình tiên tiến mới là các tập thể nhỏ, các cá nhân tiêu biểu là người lao động trực tiếp (cán bộ, công nhân, nông dân…) trong các phong trào thi đua đề nghị UBND tỉnh tôn vinh tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ IV.

5. Về chỉ đạo điểm

5.1. Cấp tỉnh:

a. Các đơn vị làm điểm

- UBND tỉnh chọn 04 đơn vị tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến làm điểm gồm có:

+ Huyện Bình Xuyên: Là đơn vị làm điểm khối cấp huyện.

+ Sở Giao thông Vận tải: Là đơn vị làm điểm khối các sở, ngành.

+ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Là đơn vị làm điểm khối đoàn thể cấp tỉnh.

+ Công ty Cổ phần môi trường và Công trình đô thị Phúc Yên: Là đơn vị làm điểm khối doanh nghiệp.

b. Thời gian tổ chức

Các đơn vị chỉ đạo điểm: Huyện Bình Xuyên, Sở Giao thông Vận tải, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Công ty Cổ phần môi trường và Công trình đô thị Phúc Yên tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến xong trước ngày 20/01/2015.

5.2. Cấp huyện

Các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo 01 cơ sở (xã, phường, thị trấn) tổ chức hội nghị điểm trước để rút kinh nghiệm. Thời gian: Trong tháng 1/2015

III. KINH PHÍ TỔ CHỨC

1. Kinh phí cho tổ chức Hội nghị ở cấp cơ sở; các huyện, thành phố, thị xã; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh

- Kinh phí do các cơ quan, đơn vị tự bố trí trong nguồn ngân sách năm 2015.

- Đối với các doanh nghiệp: Bố trí chi từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp.

- Đối với những đơn vị UBND tỉnh chọn làm đơn vị chỉ đạo điểm của tỉnh: Các đơn vị lập dự toán, chuyển Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh cấp hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh năm 2015.

2. Kinh phí Đại hội Thi đua yêu nước của tỉnh: Chi từ ngân sách tỉnh năm 2015.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể; các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị, cơ sở; các doanh nghiệp

1.1. Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể; các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị, cơ sở, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị mình và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo mục đích, yêu cầu đặt ra; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức Hội nghị theo đúng nội dung, thời gian và tiến độ quy định.

1.2. Trong quá trình triển khai, căn cứ vào tình hình thực tiễn, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần sáng tạo trong cách làm, đa dạng hóa trong hình thức hoạt động, chú trọng giao lưu và biểu dương các điển hình tiên tiến tạo không khí thi đua sôi nổi để lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp.

1.3. Các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo và tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến vào thời gian trước khi diễn ra Đại hội Đảng cấp mình.

2. Sở Nội vụ

 - Chủ động giúp UBND tỉnh đôn đốc, kiểm tra các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra.

- Tham mưu giúp UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp và Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ IV (gọi tắt là Ban chỉ đạo) để chỉ đạo tổ chức hội nghị và Đại hội.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ IV.

- Tổng hợp dự toán kinh phí tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ IV, chuyển Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 Xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền kết quả của các phong trào thi đua yêu nước và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp trên địa bàn toàn tỉnh.

4. Sở Thông tin và Truyền thông,

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, các đơn vị thông tin cơ sở, hệ thống truyền thanh huyện, xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chuẩn bị và tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng và Đài truyền thanh cơ sở.

5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin giao tiếp điện tử

Phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền về Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tập trung tuyên truyền những thành quả của phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của các đơn vị, địa phương và cơ sở. Tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, lao động giỏi, lao động sáng tạo, các điển hình nhân tố mới của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.

6. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định dự toán kinh phí cấp cho các đơn vị UBND tỉnh chọn làm chỉ đạo điểm cấp tỉnh và kinh phí tổ chức Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ IV.

         Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh căn cứ vào Kế hoạch chung của UBND tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, gửi Kế hoạch (trước ngày 30/10/2014) và báo cáo kết quả tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến (trước ngày 06/4/2015) về Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh (Sở Nội vụ) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

(Đã ký)

 

Phùng Quang Hùng

 

 

Tệp đính kèm