Cập nhật: 20/01/2015 09:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tính đến ngày 15/1/2015, các địa phương đã có kế hoạch hướng dẫn các đơn vị khám chữa bệnh thực hiện theo quy định mới của Luật BHYT (sửa đổi) và bố trí cán bộ có thẩm quyền, giám định viên thường trực tại các BV từ tuyến huyện trở lên để giải quyết trực tiếp những khó khăn vướng mắc của các tổ chức, cá nhân.

Vừa qua, BHXH Việt Nam đã họp báo thông tin cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT quý I/2015.

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo, năm 2014, BHXH Việt Nam triển khai nhiều giải pháp để phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ đọng BHXH và thực hiện hiệu quả các chế độ chính sách BHXH, BHYT. Đối tượng tham gia BHXH, BHYT tăng, số người tham gia ước đạt 64,2 triệu người, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Giao dịch hồ sơ đóng BHXH, BHYT qua mạng internet được đẩy mạnh. Đến nay đã tiếp nhận và cung cấp phần mềm giao dịch miễn phí cho các doanh nghiệp tại 37 tỉnh, thành phố.

Cùng với tăng số đối tượng tham gia, số thu BHXH cũng tăng nhanh, năm 2014 ước đạt hơn 190 nghìn tỷ  đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 100,25% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đặc biệt, từ khi Luật BHYT (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện, BHXH Việt Nam đã thành lập Tổ thường trực giải quyết các khó khăn, vướng mắc với sự tham gia của các đơn vị.

Tính đến ngày 15/1, các địa phương đã có kế hoạch cụ thể để hướng dẫn các đơn vị khám chữa bệnh (KCB) BHYT thực hiện theo quy định mới của Luật BHYT. BHXH một số tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định quy chế phối hợp thực hiện Luật về BHXH, BHYT và bảo hiểm tự nguyện trên địa bàn đồng thời bố trí cán bộ có thẩm quyền, giám định viên thường trực tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để giải quyết trực tiếp những khó khăn vướng mắc của các tổ chức, cá nhân.

Trả lời một số câu hỏi liên quan đến phản hồi của người dân khi đi KCB theo Luật BHYT bổ sung, lãnh đạo Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, vấn đề không thanh toán chi phí KCB BHYT ngoại trú khi bệnh nhân tự đi KCB vượt tuyến, trái tuyến đã được cân nhắc trước khi quyết định.

Báo cáo giám sát thực hiện Luật BHYT của Quốc hội cho thấy số tiền chi cho KCB vượt tuyến, trái tuyến là rất lớn, gây quá tải tại tuyến trên, trong khi có đến 70% số bệnh nhân có thể điều trị tại tuyến dưới. Việc không thanh toán chi phí KCB BHYT ngoại trú tại tuyến trên nhằm mục đích chính là giảm tải tại các tuyến này.

Trong trường hợp người bệnh bị mắc các bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của các cơ sở KCB đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, thì người bệnh được chuyển lên tuyến trên điều trị.

Để tạo điều kiện cho người tham gia BHYT mắc các bệnh mạn tính, các bệnh phải điều trị ở các tuyến cao hơn, việc thực hiện chuyển tuyến do cơ sở KCB căn cứ tình hình bệnh tật của người bệnh và khả năng chuyên môn của cơ sở.

Trường hợp người bệnh tự yêu cầu chuyển tuyến thì cơ sở KCB giải quyết cho người bệnh chuyển tuyến để bảo đảm quyền lựa chọn cơ sở KCB, đồng thời phải cung cấp thông tin để người bệnh biết về phạm vi quyền lợi và mức thanh toàn chi phí không đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Về vấn đề giảm tỷ lệ chi trả thuốc điều trị ung thư, theo quy định có 9 loại thuốc đang thanh toán 100% nay giảm tỷ lệ thanh toán xuống còn 50%. Theo lý giải của BHXH, quy định này không làm giảm quyền lợi của người bệnh do hiện tại có đến 59 loại thuốc điều trị ung thư được quỹ BHYT thanh toán 100%.

Các thuốc giảm tỷ lệ thanh toán xuống 50% có nhiều loại khác thay thế trong danh mục thanh toán 100%. Bên cạnh đó, các loại thuốc điều trị ung thư này là các thuốc công nghệ sinh học mới, chi phí rất tốn kém. Các loại thuốc đó, các nước trên thế giới cũng không đưa vào danh mục được quỹ BHYT thanh toán.

Thu Cúc

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm