Liên Hợp Quốc dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng “vừa phải” ở mức 3,1% năm 2015 và 3,3% năm 2016.
Diễn đàn Kinh tế Davos 2015 (Ảnh Reuters)
Trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2015 sẽ diễn ra vào ngày hôm nay 21/1 tại Thụy Sĩ, Liên Hợp Quốc ngày 19/1 đã công bố báo cáo về tình hình kinh tế thế giới nhấn mạnh, bất ổn chính trị và giảm phát là 2 mối đe dọa lớn với kinh tế toàn cầu trong 2 năm tới.
Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2015 và 2016. Những số liệu mới sẽ đặt gánh nặng lên vai Diễn đàn Kinh tế Davos.
Liên Hợp Quốc ngày 19/1 công bố báo cáo “Bối cảnh và triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2015”, dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức “vừa phải” trong 2 năm tới. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% năm 2015 và 3,3% năm 2016.
Dù vậy, đây vẫn là những con số tích cực hơn so với tình hình 2 năm trước đó. Bản báo cáo khẳng định Mỹ sẽ dẫn đầu tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, song bên cạnh đó là tình hình không mấy khả quan tại châu Âu và Nhật Bản, vốn được các chuyên gia kinh tế của Liên Hợp Quốc mô tả là “mong manh”.
Trong báo cáo, các chuyên gia kinh tế Liên Hợp Quốc nhắc đến những bất ổn địa chính trị, trong đó cuộc xung đột đang leo thang trở lại tại miền Đông Ukraine và tình trạng giảm phát sẽ là 2 mối đe dọa lớn với tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm sau.
Các biện pháp thắt lưng buộc bụng được các nước phát triển áp dụng sau cuộc đại suy thoái năm 2008 tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế, song đây mới chỉ là một phần nguyên nhân.
Với khu vực đồng tiền chung châu Âu, tình hình tài chính bất ổn tại Hy Lạp- con nợ lớn nhất tại khu vực đồng Euro trong thời kỳ khủng hoảng nợ công, đang làm dấy lên không ít lo ngại.
Kịch bản Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu một lần nữa được nhắc đến. Đến nay nhiều người dân châu Âu vẫn không thể quên được nỗi ám ảnh của khủng hoảng nợ công sau những hiệu ứng Domino từ khó khăn kinh tế của Hy Lạp và những biện pháp thắt chặt chi tiêu mà các nước phải thực hiện để cứu nền kinh tế khỏi bờ vực vỡ nợ.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của châu Âu để đối phó với thách thức tài chính hiện nay bắt nguồn từ vấn đề Hy Lạp hay từ những trừng phạt và trả đũa từ Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine, thì việc đồng Euro suy yếu so với đồng đôla Mỹ sẽ lại là một điều tốt với các nước Liên minh châu Âu.
Nhà kinh tế trưởng thực hiện báo cáo kinh tế của Liên Hợp Quốc José Palacin nói: “Trong năm 2010 nhiều nước đã hướng tới các biện pháp thắt chặt tài chính, đó là hành động vội vã mà chúng tôi cho rằng sẽ dẫn đến ảnh hưởng xấu. Những biện pháp thắt lưng buộc bụng vẫn còn đó nhưng đã được các nước giảm bớt quy mô. Vấn đề này không còn quá nghiêm trọng, mà điều chúng ta phải quan tâm là nền kinh tế hiện nay đang mất dần đi các yếu tố kích thích”.
Trái ngược với sự ảm đạm tại châu Âu, Liên Hợp Quốc dự báo nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribê sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm 2015, tăng mạnh so với mức 1,3% của năm trước đó. Khu vực Caribe sẽ trưởng mạnh và vững chắc nhất với mức tăng 3,8%. Trong khi đó, nền kinh tế số một Mỹ Latin là Brazil chỉ đạt mức tăng khiêm tốn 1,5% vì nhiều lý do khác nhau.
Venezuela là một ngoại lệ và tiếp tục bị đánh giá đang "khủng hoảng nội tại". Báo cáo cũng nhận định, điều kiện phát triển hạn chế ở từng nước, kinh tế Trung Quốc giảm tốc và tác động của thị trường tiền tệ Mỹ là những rủi ro lớn nhất cản trở kinh tế Mỹ Latinh phát triển trong năm 2015.
Cũng trong ngày 19/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm 2015 và 2016. Báo cáo cập nhật "Triển vọng kinh tế thế giới" IMF công bố hôm qua thể hiện bức tranh kinh tế toàn cầu với nhiều điểm tương đồng với báo cáo của Liên Hợp Quốc.
IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,5% trong năm nay và tăng lên 3,7% trong năm 2016. Các chuyên gia IMF cho biết việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuất phát từ thực trạng hoạt động kinh tế yếu kém trong năm qua, đặc biệt ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản, mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động đầu tư và thương mại sụt giảm, giá hàng hóa đi xuống.
IMF dự báo Mỹ tiếp tục là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo nhận định của IMF, dù giá dầu lao dốc và kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh tạo sức bật cho kinh tế toàn cầu song các yếu tố này chưa đủ để đưa "đoàn tàu kinh tế thế giới" trở lại "đường ray phát triển đúng hướng".
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với những bất ổn mới, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đa-vốt lần thứ 45 sẽ diễn ra từ ngày 21-24/1, với chủ đề "Bối cảnh toàn cầu mới", tập trung vào 10 thách thức toàn cầu ảnh hưởng đến thế giới ngày nay; Trong đó có các vấn đề hiện tại, như các cuộc xung đột leo thang địa chính trị và dịch bệnh…
Diễn đàn kinh tế Davos phục vụ cộng đồng quốc tế như là một nền tảng cho hợp tác công-tư. Sự hợp tác này nhằm giải quyết những thách thức mà tất cả các nước đang phải đối mặt và do đó đòi hỏi có sự tin tưởng lẫn nhau. Hội nghị thường niên diễn ra ngay từ thời điểm đầu năm được kỳ vọng là điểm khởi đầu cho một thời kỳ khôi phục lòng tin toàn cầu./.
Theo Hoàng Lê/VOV.VN