Khi thuốc đến tay người sử dụng, nó đã được sản xuất ở một dạng thích hợp. Có nhiều dạng thuốc: viên uống, xirô, thuốc tiêm, thuốc mỡ...
Khi thuốc đến tay người sử dụng, nó đã được sản xuất ở một dạng thích hợp. Có nhiều dạng thuốc: viên uống, xirô, thuốc tiêm, thuốc mỡ... và mỗi dạng khi sử dụng đòi hỏi tuân thủ một số điều kiện, nếu sử dụng không đúng sẽ gặp hậu quả bất lợi. Dạng thuốc uống thông dụng nhất là thuốc viên.
Thuốc viên có nhiều loại: viên nén trần, viên nén bao (vỏ bọc là đường hoặc lớp phim mỏng), viên nhộng (còn gọi là viên nang, capsule, gélule)...
Lưu ý khi sử dụng thuốc viên
Cần uống thuôc với nhiều nước.
Ảnh: Lê Tiệp
Với thuốc viên, ta có thể dùng bằng cách:
- Uống nuốt cả viên với nước, tốt nhất nước đun sôi để nguội.
- Hòa tan hoàn toàn trong nước và uống (viên nén sủi bọt).
- Nhai nát trước khi uống viên khá lớn, thường là thuốc kháng acid, dùng trị chứng dư acid, viêm loét dạ dày.
- Ngậm cho tan (tác dụng tại vùng miệng, hầu họng).
- Cũng có loại thuốc viên nén không được uống mà dùng ngoài, đó là viên nén phụ khoa, được đặt sâu vào âm đạo của người phụ nữ sau khi nhúng ướt viên thuốc.
Lưu ý khi sử dụng thuốc viên:
Khi uống thuốc nên thực hiện các điều sau:
Hỏi kỹ bác sĩ, dược sĩ cách dùng thuốc theo đúng chỉ định về số viên, số lần dùng trong ngày, số ngày trong đợt điều trị.
Nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc để biết thuốc nên nhai, ngậm, lắc lọ thuốc trước khi uống, hòa viên thuốc trong nước cho tan trước khi uống, nên uống thuốc trước, sau, cách xa bữa ăn; tác dụng phụ: thuốc có thể làm nước tiểu hoặc phân có màu, thuốc làm buồn ngủ... để bệnh nhân an tâm dùng thuốc và tránh tai nạn.
Đọc kỹ tên thuốc để tránh nhầm lẫn và có thể để biết dạng thuốc. Sau tên thuốc lưu ý chữ viết tắt cho biết dạng thuốc tác dụng kéo dài (LP, LA, Rertard, SR, Repetabs). Các thuốc loại này nhớ uống đúng theo chỉ định.
Dùng tay sạch và khô cầm thuốc.
Khi uống thuốc cần phải ngồi hoặc đứng (nếu nằm thuốc có thể bị dính lại ở thực quản). Uống thuốc với nhiều nước (đã có trường hợp nuốt viên nang mà không uống nước, viên nang dính ở thực quản, thuốc phóng thích làm hại niêm mạc thực quản).
Nước dùng để uống thuốc là nước đun sôi để nguội, không sử dụng sữa, nước chè, nước hoa quả để uống thuốc.
Đối với người cao tuổi dễ bị nhầm lẫn nên có người thân trẻ tuổi giữ thuốc và đưa thuốc khi dùng.
Dược sĩ Trần Thúy Mỵ/Theo Suckhoedoisong.vn