Cập nhật: 12/01/2025 08:59:00
Xem cỡ chữ

Trong năm qua, liên tiếp xảy ra tình trạng tài xế bị đột quỵ khi đang điều khiển phương tiện giao thông. Đây là tình trạng rất đáng lo ngại, bởi nếu là tài xế xe khách hoặc chở hàng cồng kềnh mà bị đột quỵ giữa hành trình sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều người khác khi cùng tham gia giao thông.

Chỉ ra những nguy cơ và cách phòng ngừa đột quỵ đối với tài xế, PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn với TS. BS. Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP.HCM, Giám đốc bệnh viện Tim Mạch và Đột Quỵ S.I.S Cần Thơ.

PV: Thời gian gần đây có tình trạng tài xế bị đột quỵ khi đang lái xe. Đến nay thì chúng ta đã có thống kê cụ thể về tỷ lệ người hành nghề tài xế có nguy cơ đột quỵ là bao nhiêu phần trăm, thưa bác sĩ?

TS. BS Trần Chí Cường: Thật ra chúng ta không thể nào thống kê chính xác tỷ lệ đột quỵ ngay khi đang lái xe. Tuy nhiên, trong số những bệnh nhân đột quỵ thì người ta thống kê được bao nhiêu trường hợp bị đột quỵ khi đang lái xe.

Từ năm 2011 – 2015 tại Nhật Bản có 2.000 bệnh nhân thì họ thống kê được 4% đột quỵ khi đang lái xe.

Dot quy khi dang lai xe nguy co khong the xem nhe hinh anh 1

Đột quỵ khi đang lái xe (ảnh minh họa ChatGPT)

PV: Đặc thù của nhóm lao động hành nghề lái xe thì họ đối mặt với nhiều áp lực, như là: thức khuya, chạy doanh số… như vậy thì nguy cơ đột quỵ đối với nhóm đối tượng này là gì?

TS. BS. Trần Chí Cường: Chúng ta đã biết đặc thì nghề lái xe thì thức khuya nhiều, lái đường dài cũng nhiều. Chính vì thế chúng ta có tâm lý áp lực khi cầm vô lăng. Chính vì thế thường bác tài hay hút thuốc lá để giải căng thẳng. Thực chất, thuốc lá bình thường đã góp phần gây ra đột quỵ rồi, mà tài xế lại hút thuốc thì nó sẽ làm gia tăng tỷ lệ bị đột quỵ rất cao.

Thứ hai là làm việc với cường độ cao, nghỉ ngơi ít thì nó có nguy cơ bị xuất huyết não và nhồi máu não. Một số tài xế có quan điểm rất sai lầm là uống cà phê để tỉnh táo hoặc dùng chất kích thích, thật ra những thức uống này càng làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.

PV: Vậy thì để phòng ngừa, bác tài cần phải lưu ý những gì?

TS. BS. Trần Chí Cường: Tôi kể câu chuyện như thế này, ở Nhật Bản, cứ cách 2 giờ lái xe thì phải có một trạm dừng, khi đó tài xế nghỉ ngơi ít nhất là 30 phút, đó là một quy định rất hay và bảo đảm sức khỏe.

Còn chúng ta, nếu lái xe đường dài thì nên có 2 tài xế đi cùng để đề phòng bất trắc xảy ra và đảm bảo an toàn cho hành khách. Với nghề tài xế chịu áp lực nhiều thì trước khi hành nghề chúng ta phải có sức khỏe tốt.

Chúng ta nên khám sức khỏe định kỳ, cố gắng không hút thuốc lá khi đang lái xe. Không sử dụng rượu bia. Trong hành hành của mình thì không nên lái xe quá dài, có thời gian ngủ nghỉ đủ giấc.

Những việc nên làm là kiểm tra huyết áp thường xuyên vì huyết áp là mấu chốt tiềm ẩn nguy cơ xuất huyết não. Về tuổi tác, đôi khi bệnh nhân có biểu hiện sớm như: đau đầu, cảm giác không khỏe, mất ý thức thoáng qua thì đi tầm soát để biết xem có bị dị tật mạch máu não hay không. Tài xế rất cần nên kiểm tra khâu này để tránh đột quy khi đang lái xe.

Nhân dịp năm mới, tôi kính chúc tất cả mọi người mà đặc biệt là bác tài đang lái xe có một mùa xuân yên vui, hạnh phúc. Chúc các bác tài luôn thành công và luôn luôn có sức khỏe tốt để làm việc!

Theo Kim Loan/VOV-Giao thông

https://vov.vn/xa-hoi/dot-quy-khi-dang-lai-xe-nguy-co-khong-the-xem-nhe-post1148142.vov