Cập nhật: 11/01/2025 13:43:00
Xem cỡ chữ

Khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là mùa xuân, viêm mũi dị ứng trở thành vấn đề sức khỏe khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu. Mặc dù không đe dọa tính mạng, tình trạng này lại gây nhiều bất tiện cho trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của bé.

Dưới đây, Bác sĩ CKII Trần Bảo Duy sẽ phân tích và tư vấn cho bố mẹ những kiến thức cơ bản nhất để bảo vệ con yêu khỏi viêm mũi dị ứng.

Bảo vệ trẻ khỏi viêm mũi dị ứng - những điều cha mẹ cần biết- Ảnh 1.

Bác sĩ CKII Trần Bảo Duy.

1. Nguyên nhân và cơ chế gây viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng xảy ra khi lớp niêm mạc mũi – nơi chứa nhiều mạch máu và tế bào miễn dịch – phản ứng mạnh mẽ với các tác nhân gây dị ứng trong không khí như phấn hoa, bụi mịn, nấm mốc. Những tác nhân này kích thích sản sinh các chất gây viêm, làm mạch máu giãn, gây sưng niêm mạc và dẫn đến nghẹt mũi.

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ.

2. Biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ

2.1 Thuốc điều trị tại chỗ:

Các dung dịch xịt mũi hoặc rửa mũi giúp làm sạch niêm mạc, giảm triệu chứng nghẹt mũi tức thì.

+ Nước muối sinh lý: Dùng Natri Clorid 0,9% để nhỏ hoặc rửa mũi giúp làm loãng dịch nhầy, dễ thoát ra ngoài. Dạng phun xịt tăng hiệu quả làm sạch và thông thoáng đường thở, phù hợp để sử dụng hàng ngày.

+ Thuốc nhỏ mũi co mạch: Các thuốc chứa oxymetazolin, naphazolin giúp co mạch, giảm nghẹt mũi. Tuy nhiên, cần bác sĩ chỉ định vì lạm dụng có thể gây tím tái, choáng, hoặc các tác dụng phụ nguy hiểm.

+ Thuốc xịt mũi corticoid: Hiệu quả cao trong viêm mũi dị ứng nhưng cần sử dụng đúng cách. Hãy tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Thuốc điều trị tại chỗ viêm mũi dị ứng ở trẻ.

2.2 Thuốc điều trị đường uống:

+ Kháng histamin: các thuốc kháng histamin giúp giảm sổ mũi, ngứa mũi, chảy nước mắt nhưng không hiệu quả với nghẹt mũi.

+ Kháng sinh: Chỉ sử dụng khi có bội nhiễm vi khuẩn và được bác sĩ kê đơn. Tuyệt đối không tự ý mua dùng để tránh tác dụng phụ.

+ Glucocorticoid: Dùng trong viêm mũi, viêm xoang nặng khi các thuốc khác không hiệu quả. Thuốc mạnh nhưng có nhiều tác dụng phụ, cần tuân thủ đơn của bác sĩ.

Thuốc điều trị đường uống viêm mũi dị ứng ở trẻ.

3. Phòng ngừa – "Chìa khóa vàng" bảo vệ bé yêu

- Vệ sinh mũi họng: Rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp giảm tích tụ chất gây dị ứng.

- Tạo môi trường trong lành: Giữ phòng ngủ thông thoáng, hạn chế nấm mốc và duy trì độ ẩm phù hợp.

- Tránh tiếp xúc dị nguyên: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm, phấn hoa.

- Tăng cường đề kháng: Bổ sung rau xanh, trái cây, đặc biệt vitamin C, giúp tăng sức đề kháng tự nhiên.

- Giữ ấm cơ thể: Đảm bảo bé luôn được giữ ấm khi thời tiết lạnh.

4. Khi nào cần đến bác sĩ?

Nếu triệu chứng viêm mũi kéo dài và không thuyên giảm, hãy đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Việc tự ý sử dụng thuốc có thể gây tác dụng phụ không mong muốn và làm bệnh trở nặng.

Sức khỏe của trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu. Với những biện pháp phòng ngừa và điều trị hợp lý, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con vượt qua viêm mũi dị ứng một cách dễ dàng.

 

Theo suckhoedoisong.vn
 https://suckhoedoisong.vn/bao-ve-tre-khoi-viem-mui-di-ung-nhung-dieu-cha-me-can-biet-16925011013591671.htm