Theo Luật thi hành án dân sự năm 2008, để bản án, quyết định được thi hành, người phải thi hành án phải có điều kiện thi hành án, tức là người phải thi hành án phải có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản, tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về thủ tục thi hành án dân sự: “Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án ủy quyền có yêu cầu. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đó từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do”.
Như vậy, từ các quy định hiện hành về thi hành án có thể khái quát về việc xác minh điều kiện thi hành án như sau: Xác minh điều kiện thi hành án là việc người được thi hành án, Chấp hành viên, Thừa phát lại tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của người phải thi hành án để thi hành nghĩa vụ về tài sản của người phải thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án.
1. Phạm vi, thẩm quyền
Theo quy định tại khoản 10, Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi tên gọi và một số điều của Nghị định 61/2009/NĐ-CP về thí điểm thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh thì: "Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Khi thực hiện, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản tại địa phương đó".
Theo quy định tại Điều 44 Luật thi hành án dân sự năm 2008 thì trong trường hợp cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành (người được thi hành án không cần phải có đơn yêu cầu) thì Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Điều đó có nghĩa là không cần người phải thi hành án yêu cầu xác minh thì Chấp hành viên vẫn phải xác minh. Vấn đề đặt ra là trong trường hợp này người được thi hành án có quyền yêu cầu thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án hay không. Nói cách khác thừa phát lại có thẩm quyền xác minh điều kiện thi hành án hay không? Hiện chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, tuy nhiên theo tinh thần Nghị định 61/2009/NĐ-CP và Nghị định 135/2013/NĐ-CP thì chúng tôi cho rằng trong trường hợp người được thi hành án không thống nhất với kết quả xác minh của Chấp hành viên thì nên cho phép họ có thể nhờ Thừa phát lại xác minh lại. Kết quả xác minh của Thừa phát lại sẽ được cung cấp cho cơ quan thi hành án làm cơ sở cho việc xác minh lại hay ra quyết định thi hành án.
Như vậy, với những quy định hiện tại liên quan đến vấn đề xác minh điều kiện thi hành án, chúng ta thấy rằng nếu việc xác minh của Thừa phát lại thường được thực hiện trước và là cơ sở để ra quyết định thi hành án thì việc xác minh điều kiện thi hành án của Chấp hành viên thường là được thực hiện sau khi có quyết định thi hành án (đối với trường hợp chủ động ra quyết định) và sau khi có yêu cầu xác minh của người được thi hành án (đối với trường hợp mà họ chủ động xác minh nhưng không có kết quả). Nói như vậy không có nghĩa là người được thi hành án không có quyền yêu cầu thừa phát lại xác minh sau khi đã có quyết định thi hành án (cả trường hợp việc ra quyết định thi hành án do cơ quan thi hành án thực hiện hoặc Văn phòng thừa phát lại thực hiện). Trên thực tế thì người được thi hành án có thể yêu cầu thừa phát lại xác minh bổ sung, xác minh lại nếu họ có cơ sở xác định việc xác minh trước là chưa đầy đủ hay không chính xác.
2. Phương pháp, thủ tục thực hiện việc xác minh
a, Tiếp nhận yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án
Khách hàng có nhu cầu xác minh điều kiện thi hành án sẽ làm việc trực tiếp với Thừa phát lại hoặc với Thư ký nghiệp vụ. Thừa phát lại hoặc Thư ký nghiệp vụ phải tư vấn cho khách hàng về một số quy định pháp luật có liên quan đến xác minh điều kiện thi hành án và thi hành án.
Tại đây, khách hàng cung cấp bản án, quyết định của Tòa án và những tài liệu có liên quan khác đồng thời điền nội dung yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án vào Phiếu yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án (theo mẫu). Thư ký nghiệp vụ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của nội dung yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án, vấn đề thời hạn, thời hiệu thi hành án, thẩm quyền xác minh điều kiện thi hành án của Văn phòng và trình Thừa phát lại quyết định.
Khách hàng phải điền vào Phiếu cung cấp thông tin (theo mẫu) những thông tin cần thiết liên quan đến việc xác minh điều kiện thi hành án và ký tên vào phiếu cung cấp thông tin đó. Nếu thông tin mà khách hàng cung cấp là không chính xác ảnh hưởng đến kết quả xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại thì khách hàng phải chịu hậu quả về việc cung cấp thông tin không chính xác đó, bao gồm cả việc thanh toán các chi phí cho việc xác minh lại.
b, Thỏa thuận về việc xác minh điều kiện thi hành án
Việc xác minh điều kiện thi hành án phát sinh khi đương sự có liên quan đến việc thi hành án có yêu cầu gửi tới Văn phòng thừa phát lại. Người yêu cầu phải cùng với Trưởng văn phòng Thừa phát lại lập biên bản thỏa thuận về việc xác minh điều kiện thi hành án. Văn bản thỏa thuận phải có các nội dung chủ yếu sau:
+ Nội dung cần xác minh, trong đó nêu cụ thể yêu cầu xác minh về điều kiện tài sản hay các điều kiện khác của đương sự, cụ thể như: có hay không có tài sản để đảm bảo việc thi hành án; thu nhập có đủ để thi hành án hay không; tài sản là vật có giá trị hay không có giá trị sử dụng...
+ Thời gian thực hiện việc xác minh: theo đó phải quy định thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc việc xác minh điều kiện thi hành án trong từng trường hợp cụ thể. Cần lưu ý thời gian xác minh phù hợp để tránh tình trạng hết thời hạn, thời hiệu yêu cầu thi hành án.
+ Quyền, nghĩa vụ của các bên: trong biên bản thỏa thuận Văn phòng thừa phát lại và người yêu cầu có thể cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của mình mà pháp luật đã quy định. Ngoài ra có thể quy định thêm các điều khoản về quyền và nghĩa vụ khác những không được trái với các quy định của pháp luật.
+ Chi phí xác minh: Chi phí xác minh điều kiện thi hành án do khách hàng và văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc. Là khoản chi phí mà người yêu cầu phải trả cho thừa phát lại trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Mức chi phí được chi trả trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên, biểu phí của Văn phòng và mức phí theo quy định của nhà nước đối với từng đầu công việc cụ thể. Văn phòng Thừa phát lại và khách hàng có thể thỏa thuận thêm về các khoản chi phí thực tế phát sinh gồm: chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin nếu có; tiền bồi dưỡng người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác nếu có.
+ Các thỏa thuận khác (nếu có): các bên có thể thỏa thuận về vấn đề bồi thường thiệt hại, tình huống bất khả kháng, điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng, quyền lợi của người thứ ba...
c, Tiến hành xác minh điều kiện thi hành án
Trên cơ sở yêu cầu và thỏa thuận xác minh về điều kiện thi hành án, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại ra quyết định xác minh; quyết định phải ghi rõ căn cứ, nội dung xác minh và được vào sổ thụ lý.
Việc xác minh được tiến hành bằng văn bản yêu cầu hoặc trực tiếp. Khi trực tiếp xác minh, Thừa phát lại xuất trình Thẻ Thừa phát lại, công bố quyết định và phải lập biên bản về việc xác minh. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh.
Các quy định khác của pháp luật về thi hành án dân sự cũng được áp dụng trong việc xác minh điều kiện thi hành án.
Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, Bảo hiểm xã hội, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan đăng ký tài sản khác và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại về xác minh điều kiện thi hành án và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp.
Việc xác minh điều kiện thi hành án, tùy từng trường hợp cụ thể nên tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
+ Đối với việc xác minh điều kiện về tài sản: phải trả lời được câu hỏi người phải thi hành án có tài sản hay không, tài sản đó là gì và có đủ để đảm bảo thi hành án hay không; tình trạng tài sản thế nào, có thể sử dụng hay không; tài sản đang ở đâu, ai quản lý, là sở hữu chung hay sở hữu riêng...
+ Xác minh các điều kiện khác của đương sự có thể tập trung xác định một số nội dung như: xác định thu nhập của người phải thi hành án từ hoạt động kinh doanh của họ; xác định khả năng khai thác tài sản mà người phải thi hành án đang trực tiếp khai thác; về việc người phải thi hành án có tự nguyện chấm dứt việc thực hiện công việc mà theo bản án, quyết định không; khả năng bố trí người lao động trở lại làm công việc theo nội dung bản án, quyết định của người phải thi hành án (trường hợp họ là người sử dụng lao động)...
Nếu việc xác minh được thực hiện bằng văn bản thì thừa phát lại phải lập công văn trong đó nêu rõ đối tượng cần xác minh, các nội dung cần xác minh, thông tin cần cung cấp... sau đó gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần xác minh, cung cấp thông tin để yêu cầu cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến việc xác minh. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp.
Khi trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án của đương sự, Thừa phát lại phải trực tiếp thu thập thông tin, gặp các bên liên quan hay trực tiếp đến nơi có tài sản để xác minh về tình trạng tài sản của người phải thi hành án. Việc xác minh phải được lập thành biên bản. Biên bản xác minh phải có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.
Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh. Cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên môn và chuyên gia có liên quan không chỉ chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp mà còn phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục, thời gian cung cấp thông tin. Khi yêu cầu các tổ chức và cá nhân này cung cấp thông tin, thừa phát lại phải giải thích rõ các quy định về trình tự, thủ tục này.
Văn bản xác minh điều kiện thi hành án được lập bằng tiếng Việt và phải có chữ ký của thừa phát lại và những người có liên quan khác (người làm chứng, chuyên gia, đại diện cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin...). Nội dung văn bản xác minh phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu theo hợp đồng đã ký kết giữa Văn phòng thừa phát lại với đương sự. Ngoài ra, văn bản xác minh điều kiện thi hành án có thể thể hiện các nội dung khác nhằm chứng minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án như: tài liệu thu thập từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân; kết luận của cơ quan chuyên môn, chuyên gia;...
d, Thanh lý thỏa thuận xác minh điều kiện thi hành án
Sau khi có kết quả xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại phải tiến hành thanh lý hợp đồng xác minh, cung cấp kết quả xác minh cho khách hàng sau khi hoàn tất các chi phí.
Về nguyên tắc, sau khi thanh lý hợp đồng thì Văn phòng thừa phát lại hết trách nhiệm với khách hàng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ quyền lợi của đương sự pháp luật quy định Thừa phát lại phải có mặt để làm rõ các nội dung liên quan đến văn bản xác minh điều kiện thi hành án do Văn phòng lập khi cơ quan thi hành án đề nghị.
Việc cung cấp bản sao văn bản xác minh điều kiện thi hành án được thực hiện khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu và thực hiện theo các quy định hiện hành về sao lưu, công chứng, chứng thực các loại giấy tờ, tài liệu.
Quá trình thanh lý hợp đồng nếu có phát sinh tranh chấp giữa Văn phòng thừa phát lại và khách hàng sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng chung.
Trên đây là những phân tích hết sức sơ lược về chức năng xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự. Hy vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc một vài thông tin hữu ích./.
Ths. Vũ Hoài Nam – NXBTP – Bộ Tư pháp
Tài liệu tham khảo
- Từ điển Luật học – NXBTP – năm 2006.
- Tổ chức Thừa phát lại – TS Nguyễn Đức Chính – NXBTP – 2006.
- Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại ở Việt Nam hiện nay – Ths Vũ Hoài Nam – NXBTP – 2013.
- Luật thi hành án dân sự 2008.
- Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 27/4/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 27/4/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thông tư 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 của Bộ Tư pháp – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội.