Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”. Ngày 29 tháng 6 năm 2015,UBND tỉnh ban hành CHỈ THỊ Số: 07/CT -CT UBND “Về việc tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em ”. Sau đâu là nội dung Chỉ thị:
CHỈ THỊ
“Về việc tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em ”
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”. Trẻ em là tương lai của đất nước, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là vấn đề có tính chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em là một việc làm hết sức quan trọng, đặc biệt là phòng, chống tai nạn đuối nước; ngày 26/4/2012 các Bộ, ngành TW đã có kế hoạch liên tịch số 176/KHLT về phối hợp liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012-2015, theo đó UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản số 5027/UBND-VX3 ngày 23/10/2012 về tăng cường chỉ đạo giảm tỷ lệ tử vong trẻ em do đuối nước; giao nhiệm vụ cho Sở Lao động -TB&XH chủ trì xây dựng và ban hành Kế hoạch liên tịch số 79/KHLT ngày 25/12/2012 phối hợp liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015.
Trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao về mọi mặt đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho trẻ em. Tuy nhiên việc phòng, chống đuối nước cho trẻ còn nhiều hạn chế bất cập, theo báo cáo của của Sở LĐ-TB&XH, so với các địa phương trong toàn quốc tỉnh Vĩnh Phúc có tỷ lệ trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước tăng cao: Năm 2010 có 15 trẻ; năm 2013 là 25 trẻ; năm 2014 là 28 trẻ, năm 2015 tính đến 15/6 đã có 12 trẻ tử vong do đuối nước, như vậy không đạt được mục tiêu đề ra. Đánh giá về nguyên nhân chính dẫn đến các vụ đuối nước là do thiếu sân chơi cho trẻ em; nhận thức và hiểu biết của cộng đồng, gia đình và bản thân thanh, thiếu nhi về tai nạn đuối nước còn thấp, xem nhẹ sự nguy hiểm về đuối nước đối với trẻ em; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em chưa được quan tâm thường xuyên, chưa đến được với thanh thiếu nhi...
Trước thực trạng trên, nhằm tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; kịp thời ngăn ngừa, hạn chế tai nạn thương tích cho trẻ, đặc biệt là phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, đang có chiều hướng gia tăng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Chỉ thị về tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em và yêu cầu các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, các cơ quan ngành dọc TW đóng trên địa bàn; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Chủ tịch UBND các xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ của cấp, của ngành mình, trong chỉ đạo điều hành, cần quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em;
Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em; giao trách nhiệm cho các Trưởng Thôn, Tổ trưởng dân phố huy động các tổ chức đoàn thể, các tổ chức hội, các tổ liên gia tự quản trong địa bàn dân cư, tận dụng cơ sở vật chất, địa điểm hiện có, mở cửa nhà văn hóa, sân trường học, sân thể thao…tạo điều kiện cho thanh thiếu nhi là học sinh các bậc: Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT về sinh hoạt hè trên địa bàn dân cư, hàng ngày vào vui chơi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao...trong dịp hè. Trước mắt nghiên cứu đề xuất cải tạo, tôn tạo các khu vực ao, hồ, đầm hoặc bãi sông có thể trở thành bãi tắm tự nhiên cho nhân dân (như Hồ Đại lải, Đầm vạc, ven các Sông...); đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư nhà văn hóa, sân thể thao và quy hoạch quỹ đất để hướng tới xây dựng các bể bơi theo tiêu chuẩn cho thanh, thiếu nhi.
2. Hội đồng công tác thanh niên kiêm Ban chỉ đạo Chương trình phát triển thanh niên kiêm tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2012- 2020, có trách nhiệm rà soát bổ sung vào nội chương trình kế hoạch hoạt động để triển khai đồng bộ đến các địa phương trong tỉnh nhằm tập hợp và tổ chức các hoạt động cho thanh niên trên địa bàn dân cư. Đặc biệt nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh quan tâm tăng cường đầu tư xây dựng các khu vui chơi, nhà văn hóa, sân thể thao, bể bơi….
Chỉ đạo các thành viên Hội đồng kiêm Ban chỉ đạo rà soát thực tế, xây dựng kế hoạch cụ thể của cơ quan, đơn vị để tổ chức các hoạt động cho thanh thiếu nhi trên địa bàn dân cư, từ đó tuyên truyền, vận động thanh thiếu nhi và nhân dân tham gia có hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước.
3. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt chương trình và tháng hành động vì trẻ em năm 2015; xây dựng và chia sẻ tài liệu, triển khai chiến dịch truyền thông phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhất là những tháng học sinh nghỉ hè. Chủ trì phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên mục, các phóng sự, các tin bài, các thông điệp về phòng chống đuối nước cho trẻ em; thời gian xong trước ngày 05/7/2015.
Tăng cường kiểm tra đôn đốc các Sở, Ban ngành, Đoàn thể cấp tỉnh thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 5027/UBND-VX3 ngày 23/10/2012 và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan; và kế hoạch liên tịch số 79/KHLN ngày 25/12/2012 đã ký kết giữa các Sở ngành về phối hợp phòng chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2012-2015; đồng thời cuối năm 2015 tổng kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm thực hiện phối hợp phòng chống đuối nước cho trẻ em cho cả giai đoạn, nêu rõ những việc làm được, những việc chưa làm được, nguyên nhân, đồng thời đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện phòng, chống đuối nước cho trẻ em cho giai đoạn 2016-2020; báo cáo UBND tỉnh, thời gian trước ngày 15/12/2015.
4. Các Sở, ngành: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Giao thông -Vận tải, cần rà soát bổ sung nội dung và tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 5027/UBND-VX3 ngày 23/10/2012 và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan; đồng thời thực hiện tốt nội dung kế hoạch liên tịch số 79/KHLN ngày 25/12/2012 đã ký kết giữa các Sở ngành về phối hợp phòng chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2012-2015; kết thúc năm 2015 tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác phối hợp, gửi báo cáo về Sở Lao động- Thương binh và Xã hội để tổng hợp; thời gian trước ngày 10/12/2015.
5. Đề nghị Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Nông dân tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, tổ chức thực hiện tốt các nội dung nêu tại mục 4 chỉ thị này.
6. Đề nghị Hội cựu chiến binh tỉnh thực hiện ngay việc xây dựng kế hoạch chi tiết của Hội về phòng, chống đuối nước cho thanh, thiếu nhi; trong đó lấy các tổ chức Chi hội CCB của địa bàn dân cư trong toàn tỉnh làm nòng cốt để tổ chức tập hợp, tuyên truyền, vận động, tổ chức huấn luyện tập bơi… cho thanh thiếu nhi và tuyên truyền vận động nhân dân tham gia có hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Xây dựng mô hình điểm “Cựu chiến binh với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phòng, chống đuối nước”, trong đó lập dự toán kinh phí mua sắm các dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác quản lý, hướng dẫn huấn luyện bơi an toàn cho thanh, thiếu nhi, đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định; thời gian xong trước ngày 15/7/2015.
Hội cựu chiến binh tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo hướng dẫn các tổ chức Hội CCB cơ sở, các Chi hội CCB của địa bàn dân cư trong toàn tỉnh, tiến hành ngay việc rà soát tổng hợp danh sách các ao, hồ, đập, vùng nước…trên địa bàn; đồng thời lập dự trù kinh phí đề xuất UBND tỉnh cho tiến hành lắp đặt rào chắn và các biển cảnh báo những nơi nguy hiểm về tai nạn đuối nước, giúp nhân dân và thanh thiếu nhi có ý thức phòng tránh; thời gian xong trong tháng 7/2015.
Tổng kết năm 2015 Hội cựu chiến binh có báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện các nội dung được giao tại Chỉ thị này, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tiếp theo.
7. Sở Tài Chính có trách nhiệm cân đối bố trí nguồn kinh phí, đề xuất UBND tỉnh cấp cho các Sở, ngành; Đoàn thể được giao nhiệm vụ làm công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em nêu tại chỉ thị này.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm rà soát các dự án đầu tư xây dựng các khu vui chơi, nhà văn hóa, sân thể thao, bể bơi….trên địa bàn tỉnh; đề xuất UBND tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu cho thanh thiếu nhi về sinh hoạt trong dịp hè hàng năm trên địa bàn dân cư; thời gian thực hiện xong trước ngày 15/7/2015.
9. Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin Điện tử tỉnh có trách nhiệm xây dựng chuyên mục hàng tuần, đưa tin phóng sự, tin bài, các thông điệp tuyên truyền thường xuyên về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Riêng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thành, thị, các xã, phường, thị trấn thường xuyên phát các thông tin, thông điệp cảnh báo chống đuối nước với tần xuất cao trong những giờ cao điểm (Bắt đầu phát nhiều lần từ ngày 29/6/2015).
10. Căn cứ chỉ thị này các Sở, Ban ngành, các tổ chức Đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan ngành dọc TW đóng trên địa bàn; UBND các huyện, thành, thị và UBND các xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, cần nghiên cứu ban hành ngay văn bản chi tiết để tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, giảm thiểu tỷ lệ trẻ em đuối nước đến mức thấp nhất; đưa nội dung phòng, chống đuối nước vào chỉ tiêu thi đua đánh giá phân loại chính quyền và bình xét khen thưởng hàng năm; thời gian xong trước ngày 15/7/2015.
11. Kinh phí thực hiện: Sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em hàng năm; nguồn chi sự nghiệp xã hội; nguồn vận động đóng góp thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em và nguồn vận động tự nguyện hợp pháp khác.
12. Thực hiện chế độ báo cáo: Các Sở, Ban ngành, các Đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan ngành dọc TW đóng trên địa bàn; UBND các huyện, thành, thị hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện nội dung chỉ thị này (gửi về Sở Lao động -Thương binh và Xã hội) để tổng hợp chung; (UBND cấp xã gửi báo cáo về UBND cấp huyện để tổng hợp báo cáo chung). Giao Sở Lao động -Thương binh và Xã hội giúp Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị này; định kỳ ngày 25 hàng tháng tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, các tổ chức Đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan ngành dọc TW đóng trên địa bàn; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Chủ tịch UBND các xã phường, thị trấn trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị này./.
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Văn Chúc