Nhận định ban đầu cho thấy, mặt bằng điểm ở cụm thi đại học khá cao, do đó dự kiến điểm chuẩn và điểm sàn cũng cao hơn mọi năm.
Dự kiến điểm chuẩn vào ĐH, CĐ năm nay sẽ tăng hơn so với mọi năm
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các cụm thi không thông báo kết quả thi mà gửi số liệu về Bộ để công bố thống nhất. Dự kiến đến 20/7, các cụm thi sẽ hoàn tất kết quả gửi về Bộ và Bộ sẽ rà soát, công bố ngay sau đó.
Các trường “thoải mái” tuyển sinh
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Điểm thi của thí sinh chỉ mang tính chất tương đối, bởi nó phụ thuộc vào độ khó dễ của đề thi. Theo cấu trúc của đề thi thì 60% là kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao. Trước đây, đề thi tốt nghiệp THPT đa phần là kiến thức cơ bản, chỉ có kỳ thi đại học là có kiến thức nâng cao để phân loại.
Do vậy, với đề thi năm nay, nếu học sinh làm được 60% kiến thức cơ bản thì cũng tương đương như năm ngoái làm được 100% đề thi tốt nghiệp. Như vậy, năm nay chúng ta có thể hình dung được kết quả phổ điểm của học sinh sẽ cao hơn so với kỳ thi đại học năm 2014.
Còn trường đại học, cao đẳng sẽ tuyển dụng sau khi có kết quả của tất cả các cụm thi. Bộ sẽ xác định điểm đầu vào để tư vấn cho Bộ trưởng quy định ngưỡng tối thiểu. Như vậy, ngưỡng tối thiểu sẽ nhiều hơn, dư dôi hơn so mục tiêu của các trường.
Đối với trường hợp thí sinh trượt tốt nghiệp nhưng lại đủ điểm xét tuyển đại học, cao đẳng, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Theo quy định, điểm 1 là điểm liệt, nếu thí sinh có một môn được 1 điểm thì sẽ không đỗ tốt nghiệp THPT. Cũng theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh trúng tuyển vào đại học phải tốt nghiệp THPT, những trường hợp nói trên sẽ không được xét vào đại học, cao đẳng.
Từ ngày 1/8, thí sinh sẽ nộp đơn xét tuyển đợt 1 vào các trường đại học, cao đẳng sau khi có giấy báo kết quả. Tuy nhiên, với một giấy báo kết quả, thí sinh sẽ được nộp 3-4 nguyện vọng khác nhau. Trong quá trình xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng.
Bộ đã quy định cứ 3 ngày, các trường phải thông báo số liệu nộp hồ sơ xét tuyển. Các thí sinh sẽ theo dõi những thông tin này trên trang điện tử của trường để biết mình có đỗ hay không, từ đó quyết định rút hồ sơ hay tiếp tục nộp hồ sơ vào trường đó.
“Như vậy, thí sinh nên hết sức bình tĩnh và cân nhắc lựa chọn trường. Bởi nếu thí sinh quyết định thay đổi nguyện vọng thì phải đích thân thí sinh hoặc người nhà rút hồ sơ thì mới lấy được giấy báo kết quả để nộp vào trường khác. Như vậy, việc rút hồ sơ sẽ phức tạp hơn.
Các thi sinh cần lưu ý, trong đợt xét tuyển bổ sung thứ 2, mỗi thí sinh có tới 3 giấy báo kết quả thi nên số đơn ảo rất lớn, khó cho thí sinh lựa chọn trường và ngành phù hợp. Tôi có lời khuyên với các thí sinh là suy nghĩ cẩn thận, lựa chọn trường vừa tầm phù hợp kết quả thi của mình ngay từ lần xét tuyển đầu tiên” – Thứ trưởng chia sẻ.
Điểm sàn xét tuyển đại học cao hơn mọi năm
Dự kiến ngày 20/7, các cụm thi sẽ hoàn tất kết quả gửi về Bộ. Nhận định ban đầu cho thấy, mặt bằng điểm ở cụm thi đại học khá cao, do đó dự kiến điểm chuẩn và điểm sàn cũng cao hơn mọi năm. Tuy nhiên, điều này ngược với cụm thi địa phương.
ĐH Thái Nguyên đã chấm xong và đang thống kê điểm. Thông tin bước đầu cho thấy, về cơ bản, phổ điểm có số điểm để có thể xét đỗ tốt nghiệp chiếm tới 90%, tính từng môn. Theo thống kê bước đầu, môn Vật lý có 15.000 bài thi, số bài đạt 5 điểm trở lên chiếm gần 10.000; 2.500 thí sinh đạt từ điểm 7 trở lên.
Môn Sinh học có 8.000 người thi và có hơn 3.000 người có điểm thi lớn hơn 5. Môn tiếng Anh có số bài thi (tự luận) đạt 5 điểm trở lên là 3.000/26.000 bài. Dự kiến khi cộng cả điểm thi trắc nghiệm thì điểm thi môn tiếng Anh cũng khá cao. Tương tự như vậy, điểm thi môn Ngữ văn tương đối cao với nhiều điểm 7-8.
Nhận xét chung về điểm thi, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, phổ điểm tương đối rõ ràng và thuận lợi cho việc phân bổ đều thí sinh vào các trường ĐH thuộc các tốp cao, thấp khác nhau. Ông Kim Vui dự báo, điểm sàn tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm nay cao hơn năm trước.
Ông Trần Minh Thụ, Phó hiệu trưởng ĐH Thủy lợi (Hà Nội) cho biết, ở trường thi này, điểm 9 trở lên nhiều và phổ điểm chính nằm ở 6-8 điểm, điểm dưới trung bình ít. Nhìn chung, mặt bằng điểm cao hơn năm trước.
Nhiều cán bộ chấm thi ở cụm thi Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết kết quả của thí sinh năm nay khá tốt, phổ điểm dao động từ 5-8 điểm và nhận định điểm chuẩn vào các trường đại học sẽ có thể cao hơn so với năm 2014.
Lãnh đạo Trường ĐH Hùng Vương cũng dự báo có thể điểm trúng tuyển vào trường năm nay sẽ nhích hơn năm 2014 trên dưới 1 điểm tùy chuyên ngành. Theo nhận định của cụm thi Trường ĐH Vinh, với mức điểm khả quan của thí sinh, dự báo điểm xét tuyển ĐH, CĐ năm nay sẽ nhích hơn so với mọi năm.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Đỗ Văn Xê cho biết: Mặc dù chưa tổng hợp được điểm của tất cả các môn nhưng qua phân bố điểm của các môn trắc nghiệm có thể nói đề thi năm nay tương đối dễ hơn đề thi tuyển sinh ĐH, không khó hơn đề thi tốt nghiệp THPT bao nhiêu, đúng như Bộ GD-ĐT đã tuyên bố.
Qua đó có thể dự đoán điểm dùng để xét tuyển ĐH cũng cao hơn chút ít. Sự tăng cao điểm xét tuyển không phải là yếu tố quan trọng quyết định sự thay đổi điểm chuẩn năm nay.
Xét tuyển ĐH năm nay khác với các năm trước là sau khi có điểm rồi thí sinh mới chọn ngành xét tuyển do đó không còn yếu tố may rủi khi chọn ngành đăng ký xét tuyển. Tỉ lệ chọi không còn ý nghĩa nữa./.
Theo Minh Dương/VOV.VN (tổng hợp)