Cập nhật: 04/08/2015 07:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hồi 13 giờ 30 ngày 03 tháng 8 năm 2015, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh điện: Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Cảnh sát PCCC tỉnh, các sở, ban, ngành; Ban chỉ huy PCTT & TKCN:  Các huyện, thành phố, thị xã;  Các công ty: TNHH một thành viên thủy lợi Liễn Sơn, Tam Đảo, Phúc Yên, Lập Thạch; Chi cục Thủy lợi về tiếp tục ứng phó với diễn biến của thời tiết xấu, nội dung công điện như sau:

Trong tuần qua, mưa lũ kéo dài đã làm mực nước trên hệ thống sông suối, hồ đập, nước đệm trên đồng ruộng thuộc địa bàn tỉnh dâng cao đã gây ngập úng cục bộ một số vùng; mưa kéo dài cũng làm cho kết cấu của đất bị bão hòa nước dễ gây ra tình trạng sạt lở đất ở những vùng đồi núi, uy hiếp tính mạng người dân cũng như ách tắc giao thông khi mưa xuất hiện.

Theo dự báo, trong những ngày tới, mưa lũ con diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở các huyện miền núi, ngập úng ở các huyện đồng bằng và các đô thi; theo dự báo thì lượng mưa trên địa bàn sẽ tập trung vào tháng 8 với lượng mưa khoảng từ 300 – 500mm, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hệ thống các hồ chứa, nhất là hệ thống hồ chứa vừa và nhỏ, hồ do nhân dân tự đắp và úng ngập ở vùng thấp trũng.

Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết; xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người và tài sản; thực hiện nghiêm túc Công điện số 1257/CĐ-TTg ngày 02/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở Băc Bộ, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu:

           1. Chủ tịch - Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN  các huyện, thành phố, thị xã:

            1.1. Sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị theo kế hoạch PCTT&TKCN đã được phê duyệt đảm bảo phương châm “4 tại chỗ ”; theo dõi chặt chẽ diễn biễn của thời tiết, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống mưa, lũ đạt hiệu quả;

            1.2. Tăng cường công tác kiểm tra đê, kè, cống, hồ đập,…, nhất là tại các hồ chứa vừa và nhỏ, hồ do dân tự đắp thuộc địa bàn quản lý, phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu mọi hư hỏng của công trình (riêng đối với UBND huyện Tam Đảo chỉ đạo, kiểm ra, đôn đốc Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tam Đảo khẩn trương khắc phục ngay sự cố lát mái hồ Xạ Hương, xã Minh Quang; sạt trượt mái thượng lưu hồ Phân Lân thượng, xã Đạo Trù theo các văn bản chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và của Sở Nông nghiệp & PTNT). Kiểm tra, rà soát quy trình vận hành an toàn hồ chứa, việc vận hành điều tiết tại các hồ phải tuân thủ theo quy trình đã được phê duyệt. Chỉ đạo Ban chỉ huy PCLB&TKCN các hồ chứa đề xuất việc xả lũ kịp thời khi mưa lớn xuất hiện, nhằm đảm bảo an toàn cho hồ đập, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân vùng hạ du đập. Tổ chức tháo dỡ ngay các vật cản (đắp đất lấn chiếm, đăng, đó, bèo….,) trên các trục tiêu, sông tiêu, nhất là trên hệ thống sông Phan – Cà Lồ thuộc địa bàn quản lý để tiêu thoát nước nhanh nhất;

1.3. Chỉ đạo UBND các xã (phường) kiểm tra, rà soát chặt chẽ các khu vực dân cư sinh sống ven sông suối, khu vực thấp, trũng, vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Giao nhiệm vụ cho UBND các xã (phường) sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, thấp trũng, ven sông suối,…, trước khi  mưa lũ xất hiện. Triển khai các phương án chống ngập úng ở các vùng thấp trũng, ngập lụt ở đô thị (kiểm tra và cử người canh gác chặt chẽ tại hệ thống các hố ga thoát nước thành phố nhất là những hố ga trên những tuyến đường đang thi công dở dang);

            1.4. Chủ động triển khai lập các chốt canh gác tại các ngầm qua suối, các cống thoát nước thành phố, tuyến đường thường xuyên bị ngập khi có mưa lũ và khi xả lũ tại các hồ chứa. Có trách nhiệm thông báo kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở và nhân dân biết về tình hình mưa lũ, tình hình xả lũ; tuyên truyền vận động nhân dân không vớt củi trên sông khi lũ về để đảm bảo an toàn tính mạng người dân;

            1.5. Tính toán nhu cầu về lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn cần thiết, để Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh huy động được kịp thời.

2. Các Công ty TNHH một thành viênThuỷ lợi:

2.1. Tại các hồ chứa: 

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; triển khai ngay việc đánh giá mức độ an toàn của toàn bộ hệ thống hồ chứa nhất là tại hệ thống hồ vừa và nhỏ do Công ty quản lý; xử lý kịp thời mọi sự cố công trình xảy ra (riêng đối với sự cố lát mái thượng lưu hồ Xạ Hương và sạt trượng mái thượng lưu hồ Phân Lân thượng do Công ty TNHH một thành viên Tam Đảo quản lý phải được khắc phục ngay theo ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và của Sở Nông nghiệp &PTNT), nhằm đảm bảo an toàn cho hồ chứa, nhất là hệ thống hồ chứa vừa và nhỏ;

Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT đề xuất việc xả lũ tại các hồ, nhằm đảm bảo an toàn cho hồ và nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt của nhân dân. Việc tiến hành xả lũ phải được thực hiện bằng lệnh của Ban chỉ PCTT&TKCN tỉnh. Tổ chức thường trực nghiêm túc 24h/24h đảm bảo quân số quy định.

2.2. Tại các trạm bơm tiêu úng:

            - Tiến hành kiểm tra, rà soát hệ thống trạm bơm tiêu úng, sửa chữa thay thế kịp thời những thiết bị phụ tùng hư hỏng để có thể vận hành 24/24h, tránh tình trạng không vận hành được khi cần thiết. Lắp đặt thêm hệ thống trạm bơm dã chiến tại những vùng tiêu cục bộ để chống úng hiệu quả;

            - Chủ động tiêu nước đệm tại các trục tiêu, luồng tiêu thuộc lưu vực tiêu khi mực nước sông Cầu còn có thể tiêu thoát trước khi mưa lũ xuất hiện, nhằm bảo vệ trà lúa mùa đang thời kỳ con gái, diện tích nuôi trồng thủy sản, nhất là các trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh,…, tổ chức thường trực nghiêm túc 24h/24h đảm bảo quân số quy định.

2.3. Tại các điều tiết trên các sông tiêu, trục tiêu:

- Linh hoạt vận hành hệ thống điều tiết trên các sông tiêu, trục tiêu nhất là điều tiết tại Km 0 xã An Hòa, huyện Tam Dương, tránh việc điều tiết không theo quy trình dẫn đến úng ngập diện rộng khi xuất hiện mưa lũ.

- Tổ chức thường trực nghiêm túc 24 h/24h, đảm bảo quân số tại các điều tiết chính (điều tiết Km0, xã An Hòa, huyện Tam Dương).

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch PCTT&TKCN của các huyện, thành phố, thị xã, các công ty TNHH một thành viên Thủy lợi về biện pháp phòng chống thiên tai &TKCN; cập nhật tình hình khí tượng, thủy văn, tình hình về hệ thống đê điều, hồ đập, tình hình thiệt hại; chủ động ban hành công điện, chỉ thị, lệnh của cấp trên, của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đến các cấp, các ngành về diễn biến mưa lũ và công tác ứng phó;

- Phối hợp với các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi thống nhất đề xuất cụ thể việc xả lũ, xả đệm tại các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn cho hồ và hạ du;

- Kiểm tra, rà soát, chuẩn bị đầy đủ về vật tư PCTT, cây, con giống,…., đảm bảo theo kế hoạch giao để sẵn sàng đối phó với mưa lũ; chỉ đạo, hướng dẫn các cấp chính quyền cơ sở khôi phục và phục hồi sản xuất, ổn định đời sống người dân khi mưa lũ đi qua.

4. Trung tâm khí tượng thuỷ văn tỉnh:

Cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về chế độ khí tượng, thuỷ văn trên địa bàn cũng như toàn khu vực liên quan về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để chủ động đề xuất ứng phó với mưa lũ.

Cung cấp kịp thời mọi diễn biến khí tượng thủy văn, tình hình mưa lũ trên địa bàn về Đài phát thanh &TH tỉnh, báo Vĩnh Phúc để đưa tin.

5. Điện lực Vĩnh Phúc :

- Triển khai kiểm tra hệ thống an toàn điện và phương án khắc phục kịp thời các sự cố về điện, ưu tiên cấp điện cho các khu vực trọng điểm PCTT, nhất là tại các trạm bơm tiêu úng;

- Có phương án cấp điện dã chiến cho những nơi xảy ra sự cố về đê, kè, cống, hồ đập nhất là tại các hồ chứa.

6. Sở Giao thông vân tải:

Đảm bảo giao thông được thông suốt trong mọi tình huống; sẵn sàng huy động phương tiện vận tải cho công tác hộ đê, đập và sơ tán nhân dân ra khỏi vùng ngập lụt; chủ động bố trí ém sẵn lực lượng, phương tiện tại các tuyến đường miền núi có khả năng xảy ra sạt lở đất để sẵn sàng cứu hộ khi xảy ra sự cố; chỉ đạo các cấp chính quyền cơ sở lập các chốt canh gác tại các tuyến ngầm, tuyến tràn bị ngập, cống tiêu, hố ga thoát nước thành phố và cảnh báo cho nhân dân biết những tuyến đường ngầm bị ngập để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân; phối hợp với Công an tỉnh phân luồng giao thông khi giao thông bị ngập úng chia cắt.

7. Công an tỉnh:

            - Triển khai kế hoạch PCTT&TKCN, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, nhất là những vùng xảy ra mưa lũ, sạt lở đất, tại hệ thống hồ đập,…,;

- Lập phương án bảo vệ an toàn giao thông, phân luồng giao thông đảm bảo giao thông được thông suốt trong mọi tình huống;

- Triển khai kế hoạch chống khủng bố, đảm bảo an toàn hệ thống hồ đập trên địa bàn.

8. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Cảnh sát phòng cháy chữa cháy:

Sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn của các đơn vị quân đội và lực lượng CSPCCC khi có yêu cầu;

Ém sẵn lực lượng, phương tiện, thiết bị tại những vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, các ngầm, tràn, vùng thấp trũng để chủ động cứu hộ.

9. Sở Lao động và Thương binh xã hội:    

- Sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị trên địa bàn theo kế hoạch đã hợp đồng;

- Sẵn sàng triển khai kế hoạch cứu đói, ổn định đời sống nhân dân trong và sau khi lũ đi qua.

10. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Sẵn sàng trển khai kế hoạch PCTT&TKCN, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế sẵn sàng triển khai các biện pháp, phương án xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước nhất là nguồn nước sinh hoạt của nhân dân khi xảy ra lũ lụt. 

11. Sở Y tế:

Trển khai kế hoạch PCTT&TKCN của ngành, đảm bảo số lượng về đội ngũ Y, Bác Sỹ và cơ số thuốc để dập dịch khi dịch bệnh bùng phát. Chủ động phối hợp Sở Tài nguyên & MT triển khai nhiệm vụ bảo vệ môi trường trước, trong và sau bão, lũ.

12. Sở Công thương:

Sẵn sàng triển khai các phương án đảm bảo đủ về cơ số về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ công tác PCTT &TKCN trên toàn địa bàn tỉnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng dân bị đói, bị rét khi có thiên tai lũ, lụt xảy ra.

13. Đài Phát thanh & Truyền hình và Báo Vĩnh Phúc:

 Đài phát thanh, truyền hình và Báo Vĩnh Phúc phối hợp chặt chẽ với Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, để chuyền tải kịp thời những văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về triển khai công tác PCTT &TKCN, khắc phục hậu quả thiên tai bão, lũ. Cập nhật, đưa tin kịp thời trên làn sóng truyền hình tỉnh và Báo Vĩnh Phúc về những diễn biến thiên tai mưa, lũ,..… nhất là những chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh;

Ưu tiên phát sóng ngay từ đầu Chương trình thời sự về những Chỉ thị, Công điện, bản tin về mưa lũ,…, của BCH-PCTT&TKCN tỉnh ứng phó với mưa, lũ. Tăng thời lượng phát sóng về những thông tin mang tính thời sự cấp bách, khẩn cấp trong công tác chỉ đạo PCTT&TKCN và công tác khắc phục hậu quả thiên tai.

14. Thanh tra tỉnh: Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó với mưa lũ của các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh.

15. Các thành viên BCH-PCTT&TKCN tỉnh:

Theo nhiệm vụ được phân công, trực tiếp xuống các địa phương kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ  PCTT&TKCN, nhất là phối hợp với chính quyền các huyện kiểm tra an toàn tại hệ thống hồ chứa, các tuyến ngầm, tràn thường bị lũ chia cắt thuộc địa bàn được phân công phụ trách; thường xuyên báo cáo Trưởng Ban để có chỉ đạo kịp thời.

16.Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị: Chủ động triển khai phương án PCTT&TKCN của đơn vị mình đã được phê duyệt.

17.  Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu kịp thời trong mọi tình huống. Tổ chức trực ban tại Văn phòng thường trực PCTT&TKCN, tại các trọng điểm PCTT nghiêm túc 24/24h, đảm bảo quân số; tổng hợp, báo cáo kịp thời mọi diễn biến về Ban chỉ huy PCLB tỉnh theo số điện thoại: 3.862.518, Fax: 3.861.721./.

 

Ký thay trưởng ban

Phó trường Ban thường trực

 

(đã ký)

Nguyễn Văn Chúc

Tệp đính kèm