Theo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mới đây, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm giúp cho học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen.
Vai trò của các môn học trong hình thành năng lực học sinh.
(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Giáo dục sẽ giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời.
Học sinh sẽ hình thành những phẩm chất tốt đẹp và các năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo.
Để đạt mục tiêu đó, chương trình giáo dục mới sẽ có ba yêu cầu về phẩm chất và 8 yêu cầu về năng lực phải hình thành được cho học sinh.
Ba phẩm chất
Đó là các phẩm chất: sống yêu thương, sống tự chủ và sống trách nhiệm. Mỗi phẩm chất đều được Bộ nêu rõ những tiêu chí cụ thể hơn.
Phẩm chất sống yêu thương gồm yêu tổ quốc, giữ gìn phát huy truyền thống, di sản quê hương đất nước, tôn trọng các nền văn hóa trên thế giới, nhân ái khoan dung, yêu thiên nhiên.
Phẩm chất sống tự chủ gồm sống trung thực; tự trọng; tự lực; chăm chỉ, vượt khó; tự hoàn thiện.
Phẩm chất sống trách nhiệm gồm tự nguyện; chấp hành kỷ luật; tuân thủ pháp luật; bảo vệ nội quy, pháp luật.
8 năng lực
Các năng lực gồm năng lực tự học, năng lực tự giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực tính toán, năng lực công nghệ thông tin và truyền thông.
Cụ thể, năng lực tự học yêu cầu học sinh phải biết xác định mục tiêu học tập, lập kế hoạch và thực hiện cách học, đánh giá và điều chỉnh việc học.
Năng lực tự giải quyết vấn đề và sáng tạo đòi hỏi học sinh phải biết phát hiện và làm rõ vấn đề, đề xuất và lựa chọn giải pháp, thực hiện và đánh giá các giải pháp giải quyết vấn đề, nhận ra ý tưởng mới, hình thành và triển khai ý tưởng mới, tư duy độc lập.
Ở năng lực thẩm mỹ, học sinh biết nhận ra cái đẹp, diễn tả và giao lưu thẩm mỹ, tạo ra cái đẹp.
Năng lực thể chất: Sống thích ứng và hài hòa với môi trường, rèn luyện sức khoẻ thể lực, nâng cao sức khoẻ tinh thần.
Năng lực giao tiếp: sử dụng tiếng Việt, sử dụng ngoại ngữ, xác định mục tiêu giao tiếp, thể hiện thái độ giao tiếp, lựa chọn nội dung và phương thức giao tiếp.
Năng lực hợp tác: xác định mục đích và phương thức hợp tác, xác định trách nhiệm và hoạt động của bản thân, xác định nhu cầu và khả năng của người hợp tác, tổ chức và thuyết phục người khác, đánh giá hoạt động hợp tác.
Năng lực tính toán: sử dụng các phép tính và đo lường cơ bản, sử dụng ngôn ngữ toán, sử dụng công cụ tính toán.
Năng lực công nghệ thông tin và truyền thông: sử dụng và quản lý các phương tiện, công cụ của công nghệ kỹ thuật số; nhận biết, ứng xử phù hợp chuẩn mực đạo đức và pháp luật trong xã hội số hóa…
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đánh giá mức độ đạt được các yêu cầu về phẩm chất, năng lực chung của học sinh từng cấp học được thực hiện thông qua nhận xét các biểu hiện chủ yếu của các thành tố trong từng phẩm chất và năng lực.
Từng cấp học, lớp học đều có những yêu cầu riêng, cao hơn và bao gồm cả những yêu cầu đối với các cấp học, lớp học trươc đọcvề từng thành tố của các phẩm chất, năng lực.
Chương trình mới có 8 lĩnh vực giáo dục gồm ngôn ngữ và văn học, toán học, đạo đức - công dân, thể chất, nghệ thuật, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ - tin học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết các môn học đều góp phần vào việc hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực chung. Các năng lực đặc thù môn học thể hiện vai trò ưu thế của môn học được nêu ở các chương trình học./.
Theo PHẠM MAI (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/du-thao-giao-duc-moi-de-cao-3-pham-chat-va-8-nang-luc-cua-hoc-sinh/336720.vnp