Công văn 4079 được ban hành quá trễ, lại thiếu tính đồng bộ nên nhiều người e rằng khiến công tác xét tuyển đại học, cao đẳng rối rắm hơn.
Thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh vào ĐH Kinh tế Quốc dân (Ảnh: Lại Thìn)
Ngay thời điểm dư luận “nóng” nhất về những đổi mới trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015, vừa qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có công văn 4079 đề nghị các Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với các trường tiếp nhận đề nghị thay đổi nguyện vọng xét tuyển của thí sinh.
Mục đích của Bộ là muốn giảm tốn kém, mệt mỏi cho thí sinh và giảm tải cho các trường đại học, cao đẳng, thế nhưng do Công văn ban hành không đúng thời điểm nên khiến mọi thứ đã rối càng rối hơn.
Theo nội dung công văn 4079 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, từ ngày 12 đến ngày 20/8, thay vì phải trực tiếp đến các trường đại học, cao đẳng rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để thay đổi nguyện vọng, thí sinh có thể đến sở giáo dục - đào tạo địa phương hoặc các trường trung học phổ thông do Sở Giáo dục - Đào tạo quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Bộ Giáo dục - Đào tạo nhấn mạnh, việc này sẽ giúp các thí sinh ở tỉnh không phải ồ ạt tập trung về các thành phố lớn để rút, nộp hồ sơ xét tuyển gây tốn kém, phiền hà. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia giáo dục, công văn này chỉ là biện pháp trấn an dư luận của Bộ Giáo dục - Đào tạo bởi tính khả thi rất thấp do thời gian không còn nhiều.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Cận ngày rồi, Bộ đưa ra công văn trễ quá nên thí sinh không làm kịp. Đâu phải em nào ở tỉnh cũng gần Sở Giáo dục - Đào tạo đâu. Có những tỉnh thí sinh phải đi 200km mới đến tỉnh lỵ để gặp sở đăng ký. Rồi qua nhiều khâu lằng nhằng nữa cũng khó”.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Thời điểm ra hướng dẫn này không phù hợp lắm. Nếu vấn đề này được lường trước ngay từ đầu để có sự phân kênh, phân luồng thì chắc chắn sẽ thuận tiện hơn. Đồng thời các bên liên quan có thể chia sẻ với nhau. Thứ hai, nếu không có trục trặc gì sẽ rất tốt. Nhưng nếu có trục trặc kỹ thuật thì sẽ có hậu quả của nó”.
Ngay sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo gửi công văn, sáng 12/8, Sở Giáo dục - Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai công việc đến 216 đơn vị thuộc hệ thống các trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Thế nhưng, thông tin từ Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố cho hay, hầu hết các điểm hỗ trợ đều “trắng” thí sinh. Điều này cũng dễ hiểu vì việc di chuyển không quá khó khăn, tốn kém nên thí sinh chủ yếu vẫn muốn đến tận trường đại học, cao đẳng mình đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển để thay đổi nguyện vọng. Các em cho rằng như vậy sẽ an toàn, chủ động hơn.
Thí sinh Nguyễn Thành Đạt, đến rút hồ sơ tại Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Em tới trường này cũng 4, 5 lần nên đã quen rồi nên tự tới rút hồ sơ. Còn ở trường phổ thông với Sở, em chưa đi nên chưa dám, sợ không biết”.
Trong khi đó, mặc dù đã có công văn hỗ trợ nhưng vì không yên tâm nên nhiều thí sinh ở tỉnh vẫn đổ dồn về Thành phố Hồ Chí Minh tự lo các khâu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Trương Thúc Đăng Khoa, thí sinh ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lý giải nguyên nhân em phải lặn lội chạy xe từ nhà lên thành phố nộp hồ sơ: “Tại vì em muốn chắc chắn rằng quá trình nộp hồ sơ của mình được an toàn, không bị thất lạc, hay chậm trễ. Trường sẽ tư vấn cho em biết ngưỡng điểm an toàn để nộp vào và em có thể cập nhật danh sách thứ hạng rõ ràng”.
Công văn 4079 của Bộ Giáo dục - Đào tạo có chủ đích tốt khi đưa ra những thay đổi nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho thí sinh và gia đình. Thế nhưng, do được ban hành quá trễ, lại thiếu tính đồng bộ nên nhiều người e rằng, nếu làm không đúng có thể còn khiến công tác tuyển sinh trong kỳ thi “2 chung” năm nay rối rắm hơn./.
Theo Mỹ Dung/VOV.VN - TP HCM