Ông Nguyễn Vinh Hiển Thứ trường Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, tác động tích cực đến giáo dục phổ thông.
Hội nghị báo cáo viên tháng 9. (Ảnh: Lê Thơm).
Mới đây, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị Báo cáo viên các tỉnh, thành phố, các đảng ủy trực thuộc trung ương tháng 9/2015 bằng hình thức trực tuyến tại 32 điểm cầu trên cả nước. Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thông tin về kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2015 và kết quả bước đầu của công tác tuyển sinh cao đẳng, đại học năm nay.
Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, tác động tích cực đến giáo dục phổ thông, tạo điều kiện và thúc đẩy các trường đại học, cao đẳng thực hiện quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh.
Về kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng, sau đợt 1, các trường đều có số lượng thí sinh trúng tuyển nhiều hơn, số trường tuyển dưới 30% chỉ tiêu giảm đi so với đợt 1 năm 2014. Tuy nhiên, do thời gian xét tuyển đợt 1 quá dài (20 ngày), khiến các thí sinh và gia đình lo lắng về việc cập nhật thông tin, theo dõi biến động của việc đăng ký xét tuyển và thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, gây mệt mỏi, căng thẳng và tạo dư luận không tốt.
Việc cho thí sinh đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào một trường và được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đã tạo áp lực rút và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ở một số trường đại học trong những ngày cuối đợt 1. Nhiều ý kiến cho rằng, mức điểm ưu tiên chưa thực sự phù hợp với sự đổi mới của kỳ thi, cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp. Những hạn chế này sẽ được khắc phục trong những đợt xét tuyển bổ sung.
Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục, bây giờ đã rút kinh nghiệm và sửa sai ngay những gì có thể sửa được và cũng đã nhìn ra một số vấn đề để năm sau khắc phục; sẽ có dịp tổng kết chu đáo hơn, phân tích số liệu cẩn thận hơn đối với từng trường, về cách thức làm của Bộ, vai trò của Bộ, vai trò của trường, việc làm thế nào để học sinh, phụ huynh hiểu được vấn đề để hiệu quả hơn trong những năm sau”.
Cũng tại hội nghị, đại diện Bộ Công thương thông tin về kết quả đàm phán song phương giữa Việt Nam với các đối tác của EU và các đối tác của Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện nay, nước ta đang đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, ASEAN, đang xúc tiến kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP)… đây đều là những Hiệp định thương mại toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và các đối tác, phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO). Nước ta khi thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ có một số lợi thế, mở rộng được thị trường, tăng giá trị xuất khẩu, nhập khẩu và hàng loạt các lĩnh vực… trong đó, các ngành nước ta đang có lợi thế và được hưởng lợi nhiều nhất từ FTA, gồm: Dệt may, giầy dép, thủy sản, chế biến thực phẩm, hàng điện tử… sẽ góp phần tăng hiệu suất của toàn bộ nền kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân./.
Theo Lê Thơm/VOV.VN - Trung tâm Tin